Dân Việt

“Không có đơn khiếu nại, tố giác bà Nguyệt Hường”

Ngọc Lương 19/07/2016 18:12 GMT+7
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường sau khi trúng cử ĐBQH khóa XIV không có đơn tố khiếu nại, tuy nhiên cơ quan chức năng phát hiện bà đăng ký thêm quốc tịch nữa, như vậy là trái với pháp luật của Việt Nam.

Tại buổi họp báo chiều 19.7, để thông báo về chương trình dự kiến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV, nhiều câu hỏi của báo chí đã tập trung vào câu chuyện của ông Trịnh Xuân Thanh và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường.

img

Họp báo công bố chương trình dự kiến kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Hội đồng bầu cử quốc gia đã xác nhận tư cách đại biểu cho 494 người trúng cử ĐBQH khóa XIV, còn 2 người không được xác nhận, vì có những sai phạm. Trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh thì Ủy ban Kiểm tra TƯ Đảng có kết luận và đề nghị không công nhận tư cách đại biểu vì không đủ tiêu chuẩn.

"Phiên họp thứ 7 của Hội đồng bầu cử quốc gia đã có 100% thành viên không công nhân tư cách đại biểu của ông Thanh. Hôm qua, Tổng Bí thư tiếp tục yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh những tập thể cá nhân liên quan đến vi phạm của ông Trịnh Xuân Thanh" - ông Phúc nói.

Còn trường hợp bà Nguyệt Hường, theo ông Phúc, bà Hường là ĐBQH khóa XIII tái cử, ngoài ra bà Hường còn là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, tham gia các cơ quan, trong đó có cơ quan của Quốc hội. Bà Hường cũng là doanh nhân thành đạt, tuy nhiên đã vi phạm Luật quốc tịch Việt Nam nên Hội đồng bầu cử quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu.

Ông Phúc cho biết thêm, sau khi Hội đồng bầu cử quốc gia công bố danh sách những người trúng cử ĐBQH khóa XIV, bà Hường không bị có đơn khiếu nại, tuy nhiên cơ quan chức năng phát hiện bà đăng ký thêm quốc tịch nữa trái với pháp luật của Việt Nam nên đã bị xử lý theo quy định.

Theo ông Phúc từ vụ việc của 2 trường hợp trên, bài học rút ra là khi sửa Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cần phải có những chế tài chặt chẽ hơn. Ông Phúc cho biết thêm, sáng 18.7, tại Hội nghị tổng kết công tác bầu cử, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ cũng đã có những báo cáo góp ý cho công tác bầu cử, những góp ý đó đã được tiếp thu để nâng hơn công tác bầu cử.

Báo chí đặt vấn đề tại sao những người bị bác tư cách đại biểu thường hay rơi vào những người là doanh nhân, ông Phúc cho rằng đó chỉ là sự ngẫu nhiên.

"Quốc hội là đại diện của nhân dân nên do người dân lực chọn. Các đại biểu cần xác định là đại biểu của dân thì phải trung thực, vào Quốc hội là phải phấn đấu vì nhân dân chứ không phải vào Quốc hội để thế này, thế kia. Nếu có sai phạm rồi cũng sẽ bị phát hiện ra" - ông Phúc nói.