Do đặc điểm địa hình với nhiều sông ngòi, kênh rạch, người dân quê ít khi ra chợ để mua thức ăn những khi có khách đến nhà. Nhưng không vì thế mà người miền Tây hững hờ với khách mà trái lại họ còn đặc biệt hiếu khách và tiếp đãi thân tình.
Đĩa vịt đồng trộn gỏi bắp chuối xiêm.
Mỗi khi có người bạn phương xa đến chơi, người phụ nữ miệt vườn không cần đi chợ, chỉ ra sau vườn “chụp” con gà, con vịt, hái rau vườn để chế biến thành các món ăn. Gà vườn, vịt đồng thịt da chắc nịch mang đi nấu cháo trộn gỏi thì quả thật tuyệt vời.
Con vịt đồng nấu cháo có vị ngọt, thơm hương đồng cỏ nội.
Người miền Tây, thường kháo nhau rằng, vịt đồng mà không có lông thì mất đi hương vị, mất hẳn mùi vị đặc trưng. Ở quê tôi, người dân thường “thủ sẵn” bầy vịt sau vườn để khi cắt lúa xong thì thả vịt ra đồng tìm ăn thóc vãi hoặc cua ốc ngoài đồng. Những khi có hội hè, đám tiệc, “mần” bầy vịt làm món để thiết đãi bà con, hoặc khi có khách chơi nhà, hốt nắm lúa cho vịt rồi chụp một con mang vào nhổ lông nấu cháo.
Gỏi bắp chuối xiêm góp phần làm cho thịt vịt thêm ngọt ngon hơn.
Vịt đồng làm sạch để ráo nước, bắc chảo gạo lên rang cho vàng rồi nấu cháo, hớt bọt để nồi cháo được trắng trong. Khi vịt chín thì gạo cũng nở đều, vớt ra ngoài chặt thành từng khúc nhỏ; kế đến, ra sau vườn hái một bắp chuối xiêm thái sợi trộn gỏi. Một đĩa gỏi vịt bắp chuối, một tô cháo gạo rang, một chén nước mắm gừng cùng ít rau vườn cũng đủ làm thực khách gật đầu tấm tắc. Người miền Tây là vậy, không cầu kỳ sang trọng, chỉ một món ăn giản đơn cũng đủ thấy được tấm lòng chân chất, nghĩa tình.
Tô cháo vịt đồng dân dã, đậm đà hương vị quê hương.
Ngoài món nấu cháo trộn gỏi, con vịt đồng quê tôi còn có thể chế biến thành nhiều món khác như nấu cà ri, chiên nước mắm hay nấu chao… cũng đều làm thực khách hài lòng. Nhớ lại những buổi tối trời mưa lắc rắc, bạn bè rủ nhau bắt một con vịt đồng rồi cùng nhau nấu cháo trộn gỏi để ăn khuya. Thịt vịt đồng dù quen thuộc nhưng mỗi khi được ăn vào cũng thấy thơm ngon, nhất là cái mùi vị ngọt lành, ăn hoài mà không biết ngán.