Dân Việt

Nàng dâu Bắc tự hào vì có mẹ chồng 'hiếm có, khó tìm'

Ngọc Nguyễn 21/07/2016 09:13 GMT+7
Lấy chồng khi còn trẻ, chung sống với bố mẹ chồng, nhưng lúc nào Thanh Yên cũng được gia đình nhà chồng chăm như con đẻ.

Gần 4 năm sau khi theo chàng về dinh, Thanh Yên tự cảm thấy mình là người may mắn khi không chỉ lấy được một người chồng biết lắng nghe, quan tâm tới vợ mà còn “vớ” được cả mẹ chồng trên cả tuyệt vời.

“Muốn đi nhanh thì đi 1 mình, muốn đi xa thì đi cùng ông xã”

Ở tuổi 23, Thanh Yên là bà mẹ của 2 cô công chúa xinh xắn, cô gái sinh năm 1993 luôn cho rằng việc nhận lời cầu hôn, theo chồng ra Hà Nội sinh sống là hoàn toàn đúng đắn.

Cách đây 3 năm, khi được ông xã Hồng Vân (sinh năm 1985) ngỏ lời cầu hôn, Thanh Yên đã không ngần ngại đồng ý theo chàng ra Bắc. Lý giải về việc lấy chồng khi còn rất trẻ, thậm chí là “chơi chưa đã”, Thanh Yên chỉ cười xòa: “Thật ra nói cách khác thì có thể hiểu Yên cũng… dại trai đó chứ. Nhiều người cứ nói ông xã nhiều tuổi thế, chắc phải dụ ghê lắm cô vợ trẻ mới chịu “khăn gói quả mướp” ra Hà Nội. Nhưng quả thực không phải vậy, mình thấy anh ấy hàng tháng phải bay ra bay vào Sài Gòn – Hà Nội thì thấy thương quá, lại xa xôi và tốn kém nữa. Chưa kể lúc ấy, mình nghĩ rằng, nếu gặp được người đàn ông mà mình đủ tin tưởng thì cũng không cần suy nghĩ gì nữa, hãy tiếp tục tin tưởng và đi theo anh ấy thôi”.

img

Yên và chồng luôn dành cho nhau những điều giản dị nhưng thật lãng mạn.

Như những cô gái trẻ khác, Thanh Yên cũng có nhiều ước mơ, hoài bão. Yên muốn học hành xong mới kết hôn, muốn trải nghiệm cuộc sống tự do thật thoải mái, cho đến tận bây giờ nhìn lại, thấy bạn bè vẫn còn ngao du đây đó, Yên vẫn thèm lắm. “Nhưng suy cho cùng, muốn đi nhanh thì đi 1 mình, còn muốn đi xa thì phải đi cùng ông xã. Hơn nữa, tất cả mọi chuyện cứ đến tự nhiên, nhẹ nhàng như vậy đấy, chắc vợ chồng mình là duyên phận, có chối cũng không được”.

Quyết định cưới nhau, nhưng cả hai gặp phải cửa ải khá khó khăn là bố mẹ Thanh Yên. Dù bố mẹ Yên không phản đối chuyện yêu đương cũng như lập gia đình của cặp đôi, nhưng lại rất lo lắng khi nghĩ phải xa con gái.

img

Làm dâu năm 19 tuổi, Yên thấy mình thật hạnh phúc.

“Lúc chồng mình xin cưới, bố mẹ suy nghĩ lắm, ông xã mình già dặn, chín chắn, kinh tế cũng vững vàng thì bố mẹ yên tâm, nhưng bố mẹ sợ xa con gái quá sớm, sợ con gái chưa trưởng thành đã phải làm dâu… Nhưng rồi bọn mình cũng thuyết phục được bố mẹ và tổ chức đám cưới. Đến bây giờ, mình rất mừng vì cả bố mẹ mình cũng chuyển ra Hà Nội sinh sống, vậy là mình lại được ở gần bố mẹ, nhớ quá chạy 1 xíu là về thăm bố mẹ liền”.

Những ngày mới lập gia đình, lại làm dâu Bắc, Yên cũng lo lắng lắm. Yên chưa bao giờ sống ở Hà Nội. Nhưng trái ngược với những gì Yên suy nghĩ, ông xã hiểu nên động viên vợ rất nhiều, vì thế mà tâm trạng của Yên cũng bớt căng thẳng.

Gần 4 năm sau cuộc hôn nhân, Yên cho rằng đến thời điểm hiện tại mình là người may mắn. Dù lấy chồng khi còn trẻ, bận rộn với 2 cô công chúa nhỏ, nhưng chưa khi nào tình cảm 2 vợ chồng nguội lạnh. Đối với Yên, để duy trì cuộc sống gia đình hạnh phúc, thì dù bận đến mấy, họ vẫn không quên nói những lời yêu thương thật lòng và dành thời gian nói chuyện với nhau. Bên cạnh đó, Yên và ông xã cũng sẽ chia sẻ thẳng thắn những vấn đề đang khúc mắc, bản thân Yên cũng là người thẳng tính, nên chẳng khi nào cô để chồng phải “đoán già, đoán non” suy nghĩ của mình.

Cô hiểu hơn ai hết đàn ông suy nghĩ rất đơn thuần, mà phụ nữ lại luôn nghĩ rằng họ vô tâm. Chính vì thế, mạnh dạn nói lên điều mình nghĩ, cảm xúc của mình  chính là cách giúp cuộc hôn nhân của bạn bền lâu.

img

img

Bà mẹ trẻ làm bánh rất khéo tay.

"Hiếm ai được như mẹ chồng mình"

Khi mới theo chàng về dinh, Thanh Yên nghĩ mọi thứ thật đơn giản, chỉ cần cô tin tưởng và đi theo chồng là đủ. Vậy nhưng, quả thực làm vợ, làm dâu có quá nhiều thứ khác xa so với những gì cô gái trẻ nghĩ.

Chỉ riêng về sức khỏe, Yên cũng gặp khó khăn. Thời tiết miền Bắc thay đổi đột ngột, mùa đông rất lạnh nên Yên hay gặp vấn đề về hô hấp, hầu như ốm suốt, chưa kể chuyện ăn uống cũng gặp khó khăn do chưa quen khẩu vị. Vậy nhưng, bù lại cô được mẹ chồng chăm sóc từng tý một từ ngày mới ra Hà Nội. Khi Yên ốm, bà lo lắng không yên tâm, khi Yên chưa ăn quen khẩu vị, bà cũng nấu những món mà người dân miền Nam hay ăn để con dâu đỡ… nhớ nhà.

“Nhiều người có nói cuộc sống ngoài Bắc không thoáng như miền Nam, người Bắc cũng sống quy tắc và coi trọng truyền thống gia đình nữa. Nhưng Yên thấy, khi đi làm dâu, dù là làm con dâu miền Nam hay miền Bắc thì bố mẹ nào cũng mong muốn con dâu ngoan và lễ phép. Ở đâu cũng có người dễ, người khó cả, nhưng Yên may mắn hơn vì có được bố mẹ chồng đều tâm lý, quan tâm tới con cái, các cháu và chẳng bao giờ soi mói hay để bụng con dâu. Thậm chí, ban đầu bố mẹ còn thương mình nhiều vì mình còn trẻ và phải xa gia đình nữa”, Thanh Yên tâm sự.

Đối với các công việc trong gia đình, mẹ chồng Thanh Yên khá đơn giản, bà không quá cầu kỳ trong việc cúng giỗ, cỗ bàn. Còn Yên tuy làm dâu lúc trẻ, nhưng cũng không quá vụng về. Mẹ đẻ cô đã dạy các con việc bếp núc từ bé nên Yên không gặp khó khăn gì nếu cần chuẩn bị bữa cỗ cho họ hàng hay gia đình chồng.

Nói về câu chuyện “kinh điển” mẹ chồng – nàng dâu, Thanh Yên có thể “tám” cả ngày không hết. Những câu chuyện nếu không có mẹ, Yên sẽ ra sao được cô kể đi kể lại: “Lúc mới về làm dâu, có lần mình cãi nhau với chồng. Giận quá, mình ném đồ vỡ tung toé trong phòng. Lúc đó bố mẹ chồng mình rất buồn. Nhưng mẹ chồng không nói hay mắng ngay lúc đó. Các cụ là người rất biết cách cư xử. Đợi đến hôm sau mình nguôi giận, mới đem ra nói đúng sai phải trái. Từ đấy, vợ chồng mình cãi nhau chuyện gì, cũng đều rất có ý tứ, không làm ầm ĩ như lúc mới về”.

img

Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu đối với Yên rất thân thiết, cô thầm cảm ơn vì luôn có mẹ chồng đồng hành bên cạnh.

Lấy chồng gần 4 năm, Yên sinh liền 2 thiên thần xinh xắn. Từ những ngày cô mang bầu tới khi sinh 2 bé, một tay bà giặt giũ, cơm nước, thức khuya dậy sớm bà đều phụ con dâu, không để Yên phải 1 mình trông 2 con nhỏ. Lúc sức khỏe của cháu nhỏ không tốt, phải đưa cháu đi viện, nếu không có mẹ chồng lo lắng, chăm bẵm giúp, có lẽ Yên sẽ phải loay hoay, quay cuồng trong cả mớ công việc của bà mẹ trẻ bận rộn.

“Nói thì dài lắm, chừng ấy ngày sống với gia đình chồng, với mẹ chồng là chừng ấy thời gian cảm nhận được tình cảm thật sự giữa mẹ chồng – nàng dâu. Kể thì nhiều người nghĩ mình nói quá, hay nịnh bợ, nhưng quả thực mình thấy hiếm có người nào như mẹ chồng mình. Bà nấu ăn ngon lắm, mà các cụ nói rồi, con đường đi vào trái tim nhanh nhất là qua cái dạ dày, chỉ cần mình muốn ăn gì, ngày hôm sau bà đi chợ về làm món đó cho mình ăn.

Bà sống tiết kiệm lắm, nhưng đi đâu, có đồ đẹp là đều mua về cho mình, giá trị của những món quà tuy không to lớn, nhưng mình biết với mẹ là cả 1 sự yêu thương. Vậy nên lần nào nhận quà của mẹ, mình cũng như trẻ con, vừa thích, vừa cay cay sống mũi”.

Trong suy nghĩ của Yên, cuộc chiến mẹ chồng – nàng dâu xảy ra chỉ khi 2 bên chưa thật sự mở lòng với nhau, và chồng cũng chưa biết cách dung hòa 2 mối quan hệ đó. “Bát đũa có khi còn xô nhau huống gì là con người. Mình nghĩ, nếu những bà mẹ chồng đều giống như mẹ chồng mình thì… không ai bức xúc với mẹ chồng cả, ngược lại thì mình cũng thấy quá may mắn khi được làm con dâu của mẹ. Thay vì soi mói lỗi của con - mẹ luôn bỏ qua xem chuyện to thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ thành chuyện không có. Thay vì mắng con khi sai - mẹ chồng luôn động viên, mẹ nói lúc trẻ mẹ cũng thế, hoặc mới nên con chưa quen… Thay vì bắt con dâu phải làm những thứ theo ý mình, thì mẹ chồng mình luôn đưa ra lời khuyên, cho con hiểu những lựa chọn đúng sai. Mình nghĩ để mối quan hệ tốt đẹp thì mẹ chồng – nàng dâu hãy là người hàng xóm tốt bụng của nhau”.

Kể về mẹ chồng với Yên là những câu chuyện dài rất khó để một chốc, một lát kể hết được. Nhưng tới bây giờ, cô thấy mình hoàn toàn đúng đắn khi quyết định làm dâu Bắc năm cô mới 19 tuổi. Không chỉ có thêm những người bố, người mẹ mới, Yên còn có 2 món quà lớn đó là 2 cô con gái xinh xắn. Và cũng nhờ có mẹ chồng làm tất cả mọi việc nên Yên có nhiều thời gian dành cho các con của mình, cô tự tay làm cho con mọi thứ từ những điều nhỏ nhất. “Khi con cứng cáp hơn, mình sẽ đi học trở lại, mình rất yên tâm về điều này bởi lúc nào cũng có mẹ chồng đồng hành bên cạnh”.