Dân Việt

Người tiêu dùng không biết đang uống “cà phê bẩn”?

Nguyên Vỹ 20/07/2016 15:12 GMT+7
Làm sao giải quyết tận gốc vấn nạn cà phê bẩn sau khi hàng loạt cơ sở gian dối bị phanh phui, hay ít nhất người dùng cũng phải biết mình đang uống gì... là một trong những chủ đề buổi tọa đàm được hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) tổ chức sáng nay tại TPHCM.

Theo Vinastas, không ít các chủ cơ sở sản xuất bất chấp quy định về an toàn thực phẩm (ATTP), đã sử dụng nhiều hóa chất, phụ gia thực phẩm để đáp ứng “hương vị và sở thích” của khách hàng vì mục tiêu lợi nhuận.

“Nguy hiểm ở chỗ các hóa chất này đa phần không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, rẻ tiền và bày bán tràn lan ở nhiều nơi, gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe, gây hoang mang trong tâm lý người tiêu dùng và cả uy tín của các thương hiệu cà phê Việt Nam”, ông Vương Ngọc Tuấn, Phó tổng thư ký Vinastas cho biết.

Đặt ra khái niệm “cà phê bẩn”, TS Nguyễn Duy Thịnh (Đại học Bách khoa Hà Nội) khẳng định bản thân ngũ cốc rang xay không phải là chất độc. Các phụ gia vẫn được sử dụng trong chế biến thực phẩm. Vấn đề là cần phải minh bạch thông tin, tỷ lệ các thành phần và phải thể hiện đầy đủ trên nhãn mác bao bì. 

“Đó thực chất là kiểu gian lận thương mại. Nhưng thói quen tiêu dùng dễ dãi của khách hàng cũng là kẻ hở để kẻ xấu lợi dụng...”, TS Thịch chia sẻ.

Trước thực trạng cà phê không an toàn đang hoành hành, rất nhiều ý kiến đồng tình nên sớm ban hành các văn bản quy định tiêu chuẩn cà phê.

img

Đại biểu và khách mời tham dự thảo luận

Ông Huỳnh Hoàng Long, Phó Cục trưởng Cục VSATTP (Bộ y tế), cho rằng: VN có đầy đủ các văn bản pháp lý nhưng việc đưa ra quy chuẩn. Việc xác định quy chuẩn thế nào là cà phê nguyên chất hay hỗn hợp cũng cần xem xét kỹ, vì nhu cầu sử dụng cà phê đa dạng, cà phê nhập khẩu cũng khác chất lượng cà phê tại VN.

Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) thì cho rằng, đối với các sản phẩm chưa có quy chuẩn riêng như cà phê, cơ sở sản xuất phải có xác nhận phù hợp quy định của luật ATTP như: hồ sơ đăng ký chứng nhận đủ điều kiện sản xuất; phiếu kiểm nghiệm các thành phần, chỉ tiêu; các tiêu chuẩn an toàn như hàm lượng kim loại nặng, các loại vi nấm; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm. Các yếu tố này là cơ sở làm tiêu chuẩn để công bố thông tin sản phẩm.

Bên cạnh việc kêu gọi các doanh nghiệp chế biến và kinh doanh cà phê cùng nhau cam kết minh bạch thông tin về sản phẩm, ông Tuấn kêu gọi “mỗi người tiêu dùng hãy nâng cao hiểu biết về ATTP, lựa chọn những sản phẩm cà phê minh bạch về thành phần, tin cậy, an toàn”.