Lòng vòng tìm chỗ gửi xe ở bệnh viện, phải đến gần 10h, chị Hà mới đăng ký khám đợc cho mẹ mình.
Mới hôm qua (19/7), tại Hội nghị Sơ kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái đội phục vụ của cán bộ y tế và triển khai cơ sở y tế xanh – sạch – đẹp hướng tới sự hài lòng của người bệnh”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Đối với những bệnh viện thu tiền vé xe của người nhà bệnh nhân quá cao, không có đủ chỗ gửi xe, không đấu thầu công khai thì giám đốc, người đứng đầu bệnh viện sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Tuy nhiên, sáng 20/7, phóng viên có mặt tại BV Mắt Trung ương thì tình trạng thiếu chỗ gửi xe vẫn diễn ra. Người dân đến khám nhưng không có chỗ gửi xe, phải đi lòng vòng hơn 1 giờ đồng hồ, cuối cùng nhiều người đành gửi xe ở nhà dân và bị "chặt chém" với giá 30 nghìn đồng/xe máy.
Anh Đỗ Đức Tuấn (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, một ngày anh phải vào viện 3, 4 lần để chăm nom người nhà mổ mắt, chưa kể gửi xe đêm. Riêng tiền gửi xe cũng phải mất hơn 100 ngàn đồng/ngày.
Cùng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) phản ánh: "Tôi đưa mẹ đi khám từ 8h sáng, đi hơn 1 tiếng đồng hồ, từ cổng chính đến cổng phụ tìm bãi gửi xe cũng không có. Sau đó đành ngậm ngùi gửi ở ngoài với giá 30 nghìn đồng".
Bức xúc, chị Hà gọi lên đường dây nóng của bệnh viện lúc 9h10 sáng 20/7 theo số 19009095 để phản ánh. Lãnh đạo bệnh viện trả lời: “Thiếu chỗ gửi xe nằm ngoài tầm kiểm soát của bệnh viện. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về điều này, cô có thể đưa lên báo”.
Sau khi nghe lãnh đạo bệnh viện trả lời, chị Hà than thở: "Nếu chỉ đơn giản người bệnh bình thường ra vào viện một đến hai lần thì chắc hẳn cũng ít người quan tâm về chuyện mất 20.000 đồng hay 30.000 đồng/lần gửi xe. Nhưng thử là một bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân thường xuyên phải ra, vào bệnh viện khám chữa bệnh thì mức giá đó là cả một vấn đề".
Chị Hà nói tiếp: “Giá vé xe chỉ là chuyện nhỏ, song cứ nhiều chuyện nhỏ đó người dân cũng phải chi một số tiền không nhỏ. Quan trọng hơn hết, đó là quyền lợi chính đáng của người bệnh đã không được đảm bảo”.