Dân Việt

Hoàn thổ sau khai khoáng - hứa suông!: Vàng mất, núi rừng hoang tàn

Trương Hồng 21/07/2016 06:17 GMT+7
Quảng Nam thời gian gần đây không những bị thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản do 2 công ty vàng lớn nhất nước nợ gần 500 tỷ đồng tiền thuế, mà còn hiển hiện nỗi lo kép là công tác môi trường, phục hồi môi trường, hoàn thổ hiện trạng sau khi 2 công ty vàng bị “treo giò” và nạn khai thác vàng trái phép hoành hành dai dẳng ở khắp các đồi núi.

LTS: Những hố sâu để lại sau khi các mỏ đất, đá, vàng... khai thác, những vạt rừng bị đốn hạ nham nhở không biết bao giờ được trả lại màu xanh. Lời hứa hoàn thổ sau khai khoáng bấy lâu nay vẫn là những “lời nói gió bay”, để lại hậu quả  đặc biệt tai hại về môi trường, đời sống của người dân. Bao giờ công tác hoàn thổ mới được đôn đốc giải quyết một cách rốt ráo, quyết liệt? Câu hỏi vẫn đang bị bỏ ngỏ.

Hoàn thổ chiếu lệ

Những ngày giữa tháng 7, theo ghi nhận của PV NTNN, tình trạng lén lút khai thác trái phép tài nguyên, hủy hoại môi trường sinh thái tại địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn không có dấu hiệu giảm sút. Nhiều nơi dai dẳng “cơn sốt vàng” như: Huyện Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Hiệp Đức, Phú Ninh; thiếc ở Bắc Trà My; băm nát cát sỏi lòng sông Vu Gia, Thu Bồn… Sự thật là có bao nhiêu vùng cấm là có bấy nhiêu điểm “vàng tặc”.

img

 Một hầm vàng thuộc vùng đất Công ty Vàng Bồng Miêu quản lý chưa được phục hồi đã tạo cơ hội cho “vàng tặc” hoành hành gây thất thoát tài nguyên khoáng sản nhà nước.  ảnh: T.H

Không những bị thất thoát tài nguyên khoáng sản, 2 doanh nghiệp khai thác vàng lớn nhất nước còn nợ tiền thuế nhà nước gần 500 tỷ đồng, đó là Công ty Vàng Bồng Miêu và Công ty Vàng Phước Sơn. Từ đó, kéo theo công tác phục hồi môi trường, hoàn thổ đối với những khu vực đã khai thác vẫn còn là bài toán “khó giải” của các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam khi các doanh nghiệp lớn này đang bị “treo giò”, trong số đó có một công ty hết thời gian hoạt động, một công ty bị thu hồi giấy phép do nợ thuế.

"Ổng (Công ty Vàng Bồng Miêu) có phục hồi môi trường chi mô, ổng chỉ trồng chút cây sao đen ở chỗ cổng đường lên núi Kẽm thôi, nhưng chừ dân phá sạch để trồng keo rồi. Báo cáo là trồng, nhưng chỉ trồng lấy lệ thôi, vì cây sao đen làm sao thích hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất này được. Đất toàn đá khô cằn, ổng trồng rồi bỏ đại đó chứ có chăm sóc chi đâu...”.
Ông Nguyễn Văn Thanh
Trưởng Công an xã Tam Lãnh

Có mặt tại khu vực Núi Kẽm, Hố Gần thuộc địa phận Công ty Vàng Bồng Miêu khai thác, các hang, hầm sâu mà đơn vị và nạn khai thác vàng trái phép để lại như một “địa đạo” đánh trận. Những căn hầm sâu hàng trăm mét như những “hố bom” đang rình mò tính mạng người dân và gia súc nếu lỡ chân trượt xuống. Còn quan sát, bên cạnh cổng vào khu vực núi Kẽm của Công ty Vàng Bồng Miêu, những cây sao đen mà công ty trồng được gọi là phục hồi môi trường đang đánh cược với đất, đá để tìm nguồn dinh dưỡng vươn mình sống được ngày nào hay ngày đó.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Trưởng Công an xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh cho biết: Công ty đâu có hoàn thổ chi đâu, làm xong thì sang mặt bằng lại thôi, rồi giao cho công nhân lên trồng vài ba cây chi đó. “Ổng (Công ty Vàng Bồng Miêu) có phục hồi môi trường chi mô. Ổng chỉ trồng chút cây sao đen ở chỗ cổng đường lên núi Kẽm thôi, nhưng chừ dân phá sạch để trồng keo rồi. Báo cáo là trồng, nhưng chỉ trồng lấy lệ thôi, vì cây sao đen làm sao thích hợp với thổ nhưỡng ở vùng đất này được. Đất toàn đá khô cằn, ổng trồng rồi bỏ đại đó chứ có chăm sóc chi đâu...” - ông Thanh nói.

“Nỗi lo kép…”

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh nhấn mạnh trong một báo cáo gửi UBND tỉnh: “Trong thời gian hoạt động khai thác, chế biến vàng của Công ty Vàng Bồng Miêu còn để xảy ra nhiều tồn tại, vướng mắc như: Chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước, hiện vẫn còn nợ gần 100 tỷ đồng, quản lý khu vực đất được bàn giao là 380ha thiếu chặt chẽ, dẫn đến một số hộ ở xã Tam Lãnh tự ý lấn chiếm hơn 100ha để trồng rừng và hàng trăm đối tượng ngang nhiên vào hoạt động khai thác vàng trái phép. Đặc biệt, công ty không có biện pháp quản lý hiệu quả khu vực được nhà nước giao quản lý và đến nay đã để xảy ra 13 vụ sập hầm vàng làm 23 người chết, 5 người bị thương. Chú ý nhất là công tác hoàn thổ phục hồi môi trường không được quan tâm, đến nay còn trên 22ha công ty chưa phục hồi môi trường và 0,77ha chưa hoàn thổ”.

img

Nhà máy Khai thác vàng Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam. ảnh: T.H

Còn ông Huỳnh Đức Tin - Phó Trưởng phòng TNMT huyện Phú Ninh cho biết: “Nguyên tắc, bất kỳ công ty, doanh nghiệp nào khai thác khoáng sản đều nộp quỹ phục hồi môi trường trước, còn gọi là “đặt cược”. Còn Công ty Vàng Bồng Miêu nói đã hoàn thổ, khắc phục môi trường, nhưng mấy lần tôi cùng đoàn đi kiểm tra thấy việc hoàn thổ họ chỉ làm cho có, mục đích là để lách. Còn việc trồng cây sao đen hoàn rừng vẫn còn thưa thớt, thấy trồng toàn trên đá là chính, vì họ hoàn thổ toàn lấy đất ngay tại chỗ nên khó nắm hết được việc hoàn thổ. Ngoài ra, công ty chưa bàn giao cho huyện quản lý nên khó xác định được việc hoàn thổ một cách đàng hoàng. Từ đó sẽ kéo theo việc thất thoát tài nguyên khoáng sản và ảnh hưởng môi trường và tạo cho “vàng tặc” lợi dụng cơ hội hoành hành…”.

img

Phản hồi lại, Sở TNMT tỉnh Quảng Nam cho biết, Công ty Vàng Bồng Miêu đã ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường tại khu vực Hố Gần với tổng số tiền 320.580 USD và khu vực núi Kẽm với tổn số tiền tính đến năm 2015 là 748.350.000 đồng theo đúng số tiền đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đến nay, về công tác hoàn thổ, cải tạo, phục hồi môi trường tại khu Hố Gần là 93.725m2 (trong 230ha cấp phép); diện tích đã khai thác và hoàn thổ nhưng chưa trồng cây là 226.27m2; diện tích đã khai thác nhưng chưa hoàn thổ, chưa trồng cây là 7.685m2. Còn khu núi Kẽm có diện tích 100ha, công ty đang khai thác nên chưa thực hiện hoàn thổ, cải tạo, phục hồi môi trường. “Đối với các diện tích đã khai thác nhưng chưa hoàn thổ, tất cả là do phần dưới sâu vẫn còn lại một số trữ lượng nhưng hàm lượng thấp nên công ty vẫn đang lên kế hoạch chờ thời điểm thích hợp để khai thác tiếp trong tương lai, tránh thất thoát tài nguyên. Sau đó, công ty sẽ thực hiện việc hoàn thổ và trồng cây cho khu vực này theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt cũng như theo quy định của Luật Môi trường, còn nếu không chúng ta trích quỹ môi trường ra để hoàn thổ, phục hồi môi trường…” - một cán bộ Sở TNMT tỉnh cho biết./.

Về yêu cầu cải tạo, phục hồi môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản, Quyết định số 18/2013/QĐ-TTg nêu rõ:

1.  Đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác về trạng thái môi trường gần với trạng thái môi trường ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn và môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người theo quy định cụ thể tại phụ lục I ban hành kèm theo quyết định này.

2.  Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch khai thác khoáng sản; quy hoạch sử dụng đất và bảo vệ môi trường của địa phương.

3.  Thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường ngay trong quá trình khai thác khoáng sản.

4.  Phù hợp với phương án cải tạo, phục hồi môi trường do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ban hành đối với các dự án khai thác khoáng sản nằm trong khu vực khai thác liên mỏ.

5.  Đối với cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản độc hại có chứa chất phóng xạ ngoài việc thực hiện theo quyết định này còn phải thực hiện quy định của Luật Năng lượng nguyên tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.