Theo Nghị định 46 sẽ có hiệu lực từ ngày 1.8, nhóm hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đã được bổ sung mức chế tài xử phạt.
Cụ thể, người điều khiển xe ô tô trên đường sẽ bị phạt từ 7 – 8 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50mg đến 80mg/100ml máu hoặc vượt 0,25mg đến 0,4mg/1 lít khí thở.
Mức phạt sẽ tăng lên đến 16 – 18 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Bên cạnh đó, người điều khiển xe vi phạm nồng độ cồn còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong thời hạn từ 4 đến 6 tháng.
Mức phạt sẽ tăng lên đến 16 – 18 triệu đồng nếu trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Đối với người điều khiển xe gắn máy, khung hình phạt cao nhất sẽ là 3 – 4 triệu đồng nếu vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc quá 0,4mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt từ 3 – 4 triệu đồng.
Như vậy, mức phạt “kịch khung” đối với "ma men" lái xe sẽ là 18 triệu đồng so với mức quy định trong Nghị định 171 hiện đang có hiệu lực chỉ là 10 – 15 triệu đồng.
Tuy nhiên, Thượng tá Đỗ Thanh Bình – Cục phó Cục CSGT, Bộ Công an cho rằng mức phạt 18 triệu đồng là cao nhưng vẫn có vi phạm, chưa đủ răn đe.
Thượng tá Bình cho hay: “Chúng ta có thể nhìn kinh nghiệm ở một số nước, như ở bang California, Mỹ nếu vi phạm lần đầu xử tù từ 4 – 6 tháng, lần hai phạt tù từ 10 ngày – 1 năm, lần 3 phạt tù từ 120 ngày – 1 năm và lần thứ 4 mà cách lần vi phạm thứ 3 trong vòng 10 tháng sẽ phạt tù 16 tháng. Kèm theo đó là phạt tiền và không cho sử dụng giấy phép lái xe”.
Theo Cục CSGT, trong 6 tháng đầu năm lực lượng CSGT đã xử lý 79.065 trường hợp liên quan đến vi phạm nồng độ cồn khi đang điều khiển phương tiện. Trong đó có 39 trường hợp lái xe khách, 2149 trường hợp lái xe tải, 9.032 trường hợp lái xe con (xe cá nhân) và 67.845 trường hợp điều khiển xe máy. |
Theo Thượng tá Bình, về lâu dài phải hoàn thiện quy định xử phạt pháp luật về hành chính và kết nối giữa Luật hành chính với Bộ Luật hình sự.
Cụ thể, theo ông Bình, trong Luật hình sự năm 2015 có quy định tại điểm 5, Điều 260 về Tội vi phạm quy định tham gia giao thông đường bộ. Cụ thể, vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
“Khi Bộ Luật hình sự mới có hiệu lực, chúng tôi sẽ báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu để hướng dẫn cụ thể. Bởi nội dung của điều luật trên là hình thức chưa xảy ra hậu quả nhưng có khả năng dẫn đến hậu quả. Hành vi nào dẫn đến hậu quả thì cần cơ quan có thẩm quyền như Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra hay các cơ quan của Quốc hội hướng dẫn nội dung cụ thể mới thực hiện được” – Cục phó Cục CSGT cho hay.
Ông Đỗ Thanh Bình cũng cho biết thêm, để thực hiện được điều trên có liên quan đến cả quy trình tố tụng, tổ chức bộ máy thực hiện nên cần phải nghiên cứu kỹ.
Bên cạnh xem xét xử lý hình sự lái xe say rượu, bia, ông Bình cũng cho rằng cần tính đến chế tài đối với hành vi tái phạm.
“Lần 1 anh đã bị xử phạt thì khi vi phạm lần 2 phải tăng mức xử phạt chứ không để mức phạt như thế này. Chúng tôi sẽ báo cáo với Ủy ban ATGT Quốc gia để có ý kiến đề nghị chỉnh sửa với Chính phủ” – Thượng tá Đỗ Thanh Bình cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam: "Nghị định 46 có nhiều điểm mới nếu đưa vào có nhiều người sốc. Tuy nhiên, hành vi vi phạm phải bị xử lý nghiêm nếu không sẽ không đủ sức răn đe, ngăn chặn vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn. Trong quá trình xây dựng Nghị định 46, Hiệp hội vận tải ô tô VN đã cử thành viên tham gia. Từ đó, thông tin đến các hội viên để nắm bắt các sửa đổi bổ sung để xử lý khi vi phạm. Như vi phạm quy định nồng độ cồn trong máu, chúng tôi cũng đã kiến nghị nâng lên mức xử phạt là xử lý hình sự. Hiện chúng ta mới xử phạt hành chính ở mức 18 triệu đồng là chưa đủ". |