Sáu năm sau, Bình Minh đã thành đạt ở tất cả các lĩnh vực anh tham gia, từ người mẫu, diễn viên, MC đến vai trò giám đốc của các công ty trong lĩnh vực tổ chức sự kiện và sân khấu.
Vợ đẹp, con ngoan, sự nghiệp thăng hoa, kinh tế vững vàng, cuộc sống của Bình Minh những ngày tháng này đang rực rỡ hơn bao giờ hết. Nhưng để có được những điều đó, con đường mà chàng siêu mẫu đẹp trai này đã đi qua không hề dễ dàng, bằng phẳng.
Tuổi thơ nấu sữa đậu nành...
Bình Minh sinh ra ở vùng miền núi Lạng Sơn vào những năm tháng nơi đây còn rất heo hút, nghèo khó. Bố làm lái xe chạy tuyến nội tỉnh, mẹ làm việc ở trung tâm y tế, những năm tháng tuổi thơ, cuộc sống của gia đình Bình Minh khó khăn.
Ảnh minh họa từ internet |
Ngày ấy, để trang trải cuộc sống gia đình, mẹ của Bình Minh phải mở quán nước gần nhà, kiếm đồng ra đồng vào để nuôi hai đứa con trai đang tuổi ăn tuổi lớn. Nhà chỉ có con trai, không có con gái nên ngay từ bé, Bình Minh và em trai đều phải phụ giúp mẹ bán hang.
Tuổi thơ của Bình Minh không có những ký ức chơi bi, đánh đáo, không có la cà bạn bè như những đứa trẻ khác cùng trang lứa, bởi khi đó, Bình Minh phải ở nhà đỡ đần mẹ. Bình Minh kể rằng, ngày nào cũng vậy, anh phải thức dậy từ 3 giờ sáng, giúp mẹ dọn dẹp quán, đun nước để chuẩn bị bán hàng cho khách.
Mẹ anh nấu sữa đậu nành, nên sáng nào hai anh em cũng phải vật vã xay đậu tương thành sữa. Bình Minh nhớ, có lần thấy nồi sữa đậu nành của mẹ ít nước quá, thương mẹ vất vả, thấy hoàn cảnh nhà mình khó khăn, Bình Minh nghĩ ra cách đổ thêm thật nhiều nước vào nồi sữa đậu nành, vì nghĩ đơn giản rằng như thế sẽ giúp mẹ anh kiếm được nhiều tiền hơn. Anh không biết rằng làm thế là làm hỏng nồi sữa của mẹ.
Đến lúc mẹ Bình Minh phát hiện ra, bà rất giận dữ. Nhưng khi ấy, nghe cậu con trai cúi gằm mặt với vẻ hối lỗi kể lại lý do vì sao lại đổ thêm nước vào, bà chỉ còn biết xúc động nghẹn ngào ôm cậu con trai nhỏ bé vào lòng.
Khi đó, Bình Minh thấy thương mẹ vô hạn khi thấy mẹ cặm cụi đun nồi khác. Đó là hình ảnh mà Bình Minh không thể nào quên được trong suốt năm tháng sau này của cuộc đời, ngay cả khi trở thành siêu mẫu, diễn viên, thành đạt trong sự nghiệp và kiếm được số tiền lớn hơn gấp nhiều lần nồi sữa đậu nành năm nào.
... và làm lơ xe, bốc vác
Lớn hơn một chút nữa, khi Bình Minh bước qua tuổi 15, gia đình vẫn khó khăn, bố anh lại ngày càng gầy ốm đi, mẹ anh đã cho Bình Mình và em trai đi làm lơ xe phụ giúp bố. Cứ nghỉ hè hoặc những ngày thứ Bảy, Chủ nhật trong năm học, Bình Minh lại cùng bố và em trai đi theo các chuyến xe lên cửa khẩu và các vùng xung quanh. Vì cái xe rất ọp ẹp, nên sáng nào anh cũng phải dậy sớm giúp bố làm nóng máy xe trước cả tiếng đồng hồ thì xe mới khởi động được.
Khi đó, Bình Minh đã lớn, đã có sức vóc trai tráng, nên anh chủ động đứng ra thay bố bốc xếp hàng hóa của khách hàng. Bình Minh kể rằng, anh không thể quên được những ngày đông sương muối giá rét. Bởi sáng nào anh cũng phải dậy từ mờ sáng, ra bến xếp hàng hóa cho khách giữa cái lạnh giá thấu xương của núi rừng. Khi bốc xếp hàng hóa xong, cũng là lúc môi tím tái, răng va vào nhau lập cập, hai tay cứng đơ.
Trong gia đình, người Bình Minh yêu thương và gắn bó nhất là mẹ. Anh sớm trở thành trụ cột chính trong gia đình. Chính vì vậy, những ngày tháng mới vào Sài Gòn lập nghiệp, kinh tế còn quá nhiều khó khăn, Bình Minh chỉ ao ước có một ngày nào đó kiếm đủ tiền ổn định cuộc sống, mua một căn nhà nhỏ để đón mẹ vào phụng dưỡng.
Những năm tháng đó, cứ gặp khó khăn gì là Bình Minh gọi điện về cho mẹ. Chỉ cần nghe thấy giọng nói dịu dàng, nhân từ của mẹ, là anh lại thấy lòng mình bình yên, lại quyết tâm thành đạt bằng được để có ngày mẹ nở mày nở mặt.
Như rất nhiều người mẹ khác, mẹ Bình Minh cũng dịu dàng và yêu con vô điều kiện. Anh vào Sài Gòn lập nghiệp, làm nghề người mẫu, cái nghề còn quá xa lạ với người dân tỉnh lẻ và vốn bị nhiều người kì thị, mẹ anh lúc đầu không đồng ý.
Nhưng khi thấy con trai đã quyết tâm, biết đó là ước mơ của con, mẹ Bình Minh đã im lặng dõi theo con trên bước đường sự nghiệp của con mình. Bà không bao giờ gây áp lực bắt anh phải thành công, phải nổi tiếng, bà không bao giờ yêu cầu anh gửi tiền về giúp gia đình.
(Còn nữa)