Dân Việt

Vụ đảo chính Thổ Nhĩ Kì, Nga thành "ngư ông đắc lợi"

Minh Anh 24/07/2016 11:00 GMT+7
Thổ Nhĩ Kì đã chấn động vào hôm 15-7 sau khi một cuộc đảo chính bất ngờ nổ ra với mục tiêu lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Nỗ lực đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ đã thất bại và Tổng thống Erdogan nhanh chóng sử dụng cơ hội này để cung cố quyền lực bằng cách xa thải hàng chục nghìn quan chức chính phủ, quân đội, cảnh sát hay tòa án có dấu hiệu làm phản.

Thổ Nhĩ Kì sẽ ở trong tình trạng khẩn cấp quốc gia trong 3 tháng, trong khi đó, Hội đồng châu Âu về quyền con người ở nước này cũng bị tạm ngừng hoạt động. Theo chuyên gia chính trị Anna Borshchevskaya tại Học viện chính sách Cận Đông ở Washington, cuộc đảo chính bất thành này sẽ buộc ông Erdogan phải thân thiết hơn với Nga và xa rời phương Tây, những nước luôn yêu cầu Ankara phải thành lập một nền dân chủ cởi mở và quan tâm đến quyền con người.

img

Sau cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kì đang gần với Nga và xa rời phương Tây

Bà Borshchevskaya đã trích dẫn nhận định của chuyên gia về Trung Đông, ông Alexander Shumilin, cho rằng, sự xích lại gần nhau trong quan hệ Nga – Thổ Nhĩ Kì đã được thể hiện phần nào khi Tổng thống Erdogan đổ lỗi cho những kẻ gây ra vụ đảo chính là lực lượng chịu trách nhiệm cho việc bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga vào hồi tháng 11-2015. Đây là sự việc đã làm tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ giữa 2 nước. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov từng khẳng định rằng, đây không phải là một hành động quyết đoán mà như một “sự khiêu khích có kế hoạch”.

Phe đảo chính ở Thổ Nhĩ Kì đang bị Ankara đổ lỗi là lực lượng gây ra mọi vấn đề về đối nội và đối ngoại tại nước này, trong khi đó, Moscow cũng có thể sử dụng cơ hội mới này để gây áp lực lên chính sách ngoại giao của Thổ Nhĩ Kì, đặc biệt là trong vấn đề Syria.

Rõ ràng, Thổ Nhĩ Kì khó có thể tiếp tục chính sách ngoại giao đối đầu với Tổng thống Syria Bashar Assad sau vụ đảo chính do họ cần tập trung vào giải quyết vấn đề nội bộ trước khi hỗ trợ cho các lực lượng nổi dậy ở Syria.  

Tóm lại, điều mà Moscow được lợi nhất sau cuộc đảo chính này sẽ là sự bất ổn của Thổ Nhĩ Kì cũng như nội bộ NATO. Một NATO không đoàn kết là cơ hội cho Nga lôi kéo thêm đồng minh hay ít nhất là giảm nhẹ phần nào tình trạng đối đầu căng thẳng không hề có lợi.