Giờ học của lớp 2 tại Trường Tiểu học Pá Mỳ. |
Chịu khổ với học sinh
Cơ sở giáo dục ở Pá Mỳ có 3 cấp học: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Trường Tiểu học Pá Mỳ nằm ven bờ suối, đã tạm ổn với 2 phòng học bằng sắt lợp tôn và 2 phòng bằng gỗ. Buồn nhất là trường THCS. Tới đây, chúng tôi ngạc nhiên bởi nghịch lý, đất đai bao la mà một khoảnh đất để làm trường cũng không có. Thầy Hiệu trưởng Trường THCS Pá Mỳ Nguyễn Quang Tuyến lý giải: "Dân ở đây đòi tiền đền bù ruộng nương của họ rất cao. Hiện nay đã có doanh nghiệp trả trước tiền đền bù là 180 triệu đồng/1,5ha nương nhưng vẫn chưa thể tiến hành xây dựng".
Để có đất làm trường tạm thời, các giáo viên Trường THCS Pá Mỳ đã tự đóng góp tiền thuê ruộng của dân với giá 3 triệu đồng/năm mà diện tích cũng chỉ khoảng 200m2. Có mảnh đất nhỏ, các thầy cô ở đây lại bỏ công sức ra xây dựng một mái trường. Tiền bạc và sức người có hạn nên các thầy cô cũng chỉ làm được 8 phòng với cột nhà là cây gỗ bé tẹo, mái lợp bằng gianh, có mái lợp bạt. Trường lớp tạm đã đành, bàn ghế cũng không đầy đủ, chỉ với 10 bộ/172 học sinh. Không đành lòng nhìn học sinh đứng học, hàng ngày các thầy cô lại lích kích đi mượn của trường tiểu học.
Chỗ dạy đã khổ, chỗ ở còn khổ hơn. Các trường ở đây không có nhà công vụ nên giáo viên phải ở trong căn nhà tạm làm bên trái lớp học. Tới thăm nơi ở của các thầy cô, chúng tôi thấy đắng chát trong lòng: 5 thầy giáo nằm trên 2 tấm phản, còn 3 thầy khác ngủ nền đất trong 1 gian nhà tạm. Cách đó không xa là 30 chiếc lều được dựng lên san sát cho các em học sinh ở. Đó là những chiếc "tổ chim" khoảng 3-5m2 với 4-5 em học sinh trong đó.
Gác hạnh phúc riêng
Nếu không có cột cờ và tiếng bi bô của lũ trẻ chắc không ai nhận ra đây là Trường Mầm non Pá Mỳ. Nền nhà ẩm thấp, tối tăm, mái lợp bạt, xung quanh nẹp tre để giữ nền đất và đặc biệt, trường nằm ở... lưng chừng dốc. Lý giải cho cái địa điểm "hóc hiểm" này, cô Cà Thị Phượng - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: "Chúng tôi xin dân đất để làm trường nhưng không được người dân ủng hộ. Xin mãi họ mới cho khoảng 100m2 ở lưng chừng dốc để làm trường". Những điều kiện tối thiểu như sân để vui chơi các cháu cũng không có.
Nỗi buồn thiếu thốn không xua được nỗi cô đơn tới cháy lòng. Cô Phượng phải xa chồng, chỉ mang theo đứa con 3 tuổi vào ở cùng. Các cô giáo khác cũng vậy. Không nhà công vụ, họ không thể đưa chồng, con lên cùng.
Thiếu thốn là vậy nhưng đội ngũ giáo viên nơi đây vẫn vận động được gần 300 học sinh ra lớp. Mỗi học sinh đi học, với họ là những niềm vui, vui vì sự khổ cực của họ được đền đáp bằng tương lai sáng hơn cho đồng bào nơi đây.
Đinh Công Định