Dân Việt

Nâng bước con tật nguyền vào đại học

05/08/2011 16:21 GMT+7
(Dân Việt) - Người cha tuyệt vọng đến cùng cực đó tưởng chừng không thể tìm được lối thoát nào cho đứa con tật nguyền của mình. Nhưng rồi ông đã bật khóc khi bất ngờ nhận được tin con trai được vào đại học.

Dõi bước theo con

Một ngày đầu tháng 8, ông Nguyễn Thanh Phượng ôm chặt đứa con trai Nguyễn Hoàng Phúc mà vai ông cứ rung lên bần bật, hai mắt đỏ hoe. Ông bảo rằng, cuộc đời nó giờ đây đã sang một trang mới, sáng sủa hơn. Trong căn nhà nhỏ ven kênh Nhiêu Lộc nằm dưới chân cầu Thị Nghè, thuộc phường 19, quận Bình Thạnh (TP.Hồ Chí Minh), không lúc nào ông Phượng nguôi niềm hy vọng con ông sẽ không là gánh nặng cho xã hội.

img
Ông Nguyễn Thanh Phượng và con trai.

Nguyễn Hoàng Phúc bị di chứng của bệnh bại não, khuyết tật từ nhỏ. “Lúc 30 tháng tuổi Phúc đột nhiên khụy xuống, không còn đứng được trên đôi chân mình nữa. Sau đó, hai chân cứ teo dần rồi gân rút lại. Tôi như sụp đổ hoàn toàn” – ông Nguyễn Thanh Phượng kể rồi rấm rứt khóc.

Sợ con hoang mang nên ngày ngày ông vẫn miệt mài nắn chân, tập dìu cho con đi từng bước nhỏ, nhưng trong lòng ông biết bệnh của con không thể nào chữa khỏi. Đêm về, ông lại thao thức, lặng lẽ khóc một mình.

Đến thời điểm bắt đầu đi học thì khó khăn lại dồn dập đến. Ông phải bỏ hết công việc làm vườn để chở con đi học rồi canh giờ để đón con về. Khi Phúc học lớp 12, ông sắm cho con một chiếc xe 3 bánh, tập cho con tự mặc áo quần, tự tắm rửa cho bản thân nhưng cũng là thời điểm Nguyễn Hoàng Phúc- vì quá chán nản với bệnh tật- bắt đầu trốn học lang thang, lệt bệt vào tiệm Internet để chơi game.

Nhà trường thông báo về gia đình môn học nào của Phúc cũng bị điểm yếu kém. Người cha khổ sở khuyên răn đủ điều, đấu tranh với tư tưởng tuyệt vọng của con, nhưng không ăn thua. Nửa đêm đang ngủ, ông bật dậy than thở “chẳng lẽ nỗ lực của mình trôi theo dòng kênh Nhiêu Lộc sao?”.

Không buông xuôi, ông càng gần gũi, động viên con học tập, cuối cùng Phúc cũng nghe theo. Cuối năm lớp 12, Phúc từ học sinh yếu kém nhiều môn đã tiến bộ nhanh chóng và đạt được kết quả học tập trung bình, nhiều môn đạt điểm khá. Đặc biệt, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011, Phúc đạt 9,5 điểm môn toán!

“Đó là một món quà lớn cho sự nỗ lực học tập của một học sinh bại não” – ông Phượng vui mừng nói.

Không thể buông xuôi

Thời điểm Phúc chuẩn bị thi đại học, ông lại trăn trở nhiều hơn. Lựa chọn một trường đại học gần nhà để tiện cho việc đi lại của con và cũng vừa sức nó là hết sức khó khăn đối với ông. Cuối cùng, ông hướng cho con nộp hồ sơ vào Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, khoa Công nghệ thông tin. Nhưng khi kỳ thi đại học diễn ra được 1 ngày thì ông biết được thông tin Bộ GDĐT có chủ trương xét tuyển đặc cách cho những trường hợp bị khuyết tật vào thẳng đại học.

Gần 20 năm trời, ông Phượng không dám đi đâu lâu. Ngay cả về quê thăm mồ mả ở tận Bình Định, nhưng vừa đến nơi thắp được nén nhang là ông lại quày quả trở vào TP. Hồ Chí Minh lo cho con mình.

“Cả ngày hôm đó, tôi làm một loạt đơn trình bày hoàn cảnh bệnh tật của con rồi gửi đến các trường Đại học Hồng Bàng, Hoa Sen, Kỹ thuật Công nghệ, Sài Gòn để xin cho con học, rồi dự tính làm đơn gửi tiếp đến Trường Đại học Văn Lang nữa” – ông Phượng hào hứng. Khi ông nộp đơn, có trường thì hứa hẹn xem xét, có trường thì từ chối thẳng thừng, nhưng ông vẫn tâm nguyện làm hết lòng vì con...

Cuối cùng, nỗ lực của ông cũng có kết quả. Đích thân ông Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng gọi điện cho ông thông báo con ông đã được xét tuyển đặc cách vào trường này. “Đó là giây phút hạnh phúc tột cùng của cuộc đời tôi. Vậy là cuộc đời của con tôi từ nay đã khác rồi”, nói rồi ông lại khóc.

Sau đó, một số trường đại học khác như Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ cũng thông báo cho con ông được đặc cách vào thẳng đại học, còn Trường Đại học Sài Gòn hẹn trong tuần này đưa Phúc đến trường để Ban Giám hiệu gặp trực tiếp trước khi quyết định.

Ông Phượng bảo rằng, cuộc đời con ông giờ đã không bế tắc và đen tối như dòng kênh Nhiêu Lộc trước nhà ông nữa.