Xã hội chua xót, gia đình đau đớn, bố mẹ tự trách mình, thầy cô, bạn bè thương tiếc… Hối hận cũng đã muộn. Chỉ tiếc trong hàng trăm, hàng nghìn tiết học để giúp các em thi đại học, hô hào, cổ vũ các em về con đường đại học trải hoa hồng mà không có bài nào hướng dẫn các em làm gì khi thi trượt đại học.
Tiến sĩ Phan Quốc Việt - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tâm Việt cho biết: "Các em thi trượt ĐH khó tránh khỏi những áp lực về tâm lý và những thất vọng, đau khổ. Các em có thể phủ định chính bản thân mình, mất hết niềm tin vào cuộc sống, than thân oán trách. Thậm chí có em còn có những hành động cực đoan như tự giam mình lại, không tiếp xúc với ai, hay tự tử".
Ông Việt phân tích: Chỉ dựa vào một tiêu chuẩn duy nhất là thành tích học tập không thể đánh giá được một người nào đó có thành công hay không. Anh có thành tích học tập giỏi nhất không có nghĩa là anh có cống hiến nhiều nhất cho xã hội, thành đạt hay hạnh phúc. Cuộc sống đòi hỏi bạn trẻ cần rất nhiều kỹ năng mềm như: Khả năng thích ứng, làm việc nhóm, nhanh nhạy với thị trường, biết giao tiếp, ứng xử… Học lực và bằng cấp chỉ là một yếu tố cần nhưng chưa đủ.
Ông Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tư vấn An Việt Sơn thì cho rằng, sai lầm lớn nhất của các ông bố, bà mẹ chính là áp đặt ước mơ của mình lên vai con, thúc con học tập, thi cử để thực hiện hoài bão cho bố mẹ chứ không phải vì tương lai của con. Không ít cha mẹ suốt ngày nhồi vào đầu con tư tưởng: Không đỗ đại học thì chỉ có thất bại, cùng khổ, nghèo hèn, thậm chí là đồ bỏ đi. Có người bắt con thi đại học 3-4 năm cho dù đứa con càng học càng mụ mẫm đầu óc. Thậm chí, có cha mẹ đặt gánh nặng "đổi đời" cho bố mẹ lên vai con, yêu cầu con đỗ đại học để sau này thành "ông nọ, bà kia".
Theo ông Chất, khi con thi trượt đại học, hơn ai hết, đứa con sẽ chịu áp lực nặng nề nhất. Nếu cha mẹ tiếp tục mắng chửi, trách móc con sẽ chẳng khác nào "đổ thêm dầu vào lửa". Hãy để các em tự rút kinh nghiệm từ thất bại và chủ động lượng sức mình để đưa ra các lựa chọn đúng.
Diệu Linh