Dân Việt

Quy trình bầu ông Trịnh Xuân Thanh: Bộ Nội vụ có trách nhiệm gì?

Vương Hà 25/07/2016 10:14 GMT+7
Bộ Nội vụ là cơ quan “canh cổng” về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục bầu cử, bổ nhiệm cán bộ. Về việc bầu ông Thanh vào chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Bộ Nội vụ khẳng định là “đúng quy định”. Nhưng vấn đề này đã được Ủy ban kiểm tra Trung ương khẳng định “vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.”

Vậy Bộ Nội vụ phải chịu trách nhiệm đến đâu?

Bộ Nội vụ khẳng định: Đúng quy định!

Một trong những hồ sơ quan trọng đưa ông Trịnh Xuân Thanh lên chức Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang là tờ trình của Bộ Nội vụ (Bộ NV) gửi Thủ tướng Chính phủ. Tờ trình này khẳng định với Thủ tướng Chính phủ kết quả HĐND tỉnh bầu ông Trịnh Xuân Thanh làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh là “đúng quy định”.

Cụ thể, ngày 15/5/2015, Bộ NV có công văn (cv) số 2036/ TTr-BNV trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê chuẩn việc bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

img

Theo tờ trình này, Bộ NV khẳng định “Sau khi thẩm định, Bộ Nội vụ nhận thấy đề nghị của UBND tỉnh Hậu Giang và thủ tục bầu bổ sung chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh của HĐND tỉnh Hậu Giang là đúng quy định.” Tờ trình này do Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng ký.

Vậy căn cứ nào để Bộ NV khẳng định việc bầu ông Trịnh Xuân Thanh là “đúng quy định”?

Trong tờ trình của Bộ Nội vụ gửi Thủ tướng Chính phủ nêu 2 căn cứ. Một, ngày 4/4/2013 Tỉnh ủy Hậu Giang có cv số 538 báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép tăng thêm một Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực công nghiệp (ngoài các Phó chủ tịch UBND tỉnh hiện có). Căn cứ thứ hai, công văn số 6149 ngày 20/1/2014 của Ban Tổ chức Trung ương về việc tăng thêm chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Tờ trình trên nêu tiếp, ngày 24/4/2015 Tỉnh ủy Hậu Giang có quyết định tiếp nhận ông Trịnh Xuân Thanh về nhận nhiệm vụ tại văn phòng UBND tỉnh. Ngày 13.5.2015, HĐND tỉnh đã bầu ông Thanh giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Bộ NV phải chịu trách nhiệm thế nào?

Để hiểu được những căn cứ nêu trên của Bộ NV trong tờ trình Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi dẫn lại từng nội dung của những công văn nêu trên.

img

Về căn cứ thứ nhất, trả lời công văn (số 538, ngày 4/4/2013) của Tỉnh ủy Hậu Giang về việc xin tăng thêm Phó chủ tịch UBND tỉnh, ngày 22/7/2013 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam ký công văn số 5959/ VPCP – TCCV. Trong công văn số 5959 gửi cho một số tỉnh, trong đó có Hậu Giang nêu rõ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ: “Giữ nguyên số lượng Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố như hiện nay theo tinh thần kết luận của Bộ Chính trị về đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý…”

Như vậy, nội dung công văn do Bộ trưởng Vũ Đức Đam ký trả lời Tỉnh ủy Hậu Giang đã nêu rõ ý kiến của Thủ tướng là “giữ nguyên số lượng Phó Chủ tịch”, nhưng đã không được Bộ NV đưa vào tờ trình mà chỉ dẫn công văn xin tăng thêm Phó Chủ tịch của tỉnh ủy Hậu Giang. Như vậy, tờ trình của Bộ NV đã “quên” đi một văn bản quan trọng để Thủ tướng Chính phủ lưu tâm.

Căn cứ thứ hai của tờ trình của Bộ Nội vụ là công văn số 6149 ngày 20/1/2014 của Ban Tổ chức Trung ương về việc tăng thêm chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Công văn số 6149 này có hai phần: Nội dung thứ nhất, đồng ý Tỉnh ủy Hậu Giang được tăng thêm một Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nội dung thứ hai, đề nghị Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang phối hợp, trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương để thống nhất lựa chọn nhân sự Phó Chủ tịch UBND tỉnh, bảo đảm đúng tinh thần kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trước khi trình HĐND tỉnh bầu.

Vậy, nội dung thứ hai “trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương” của công văn số 6149 có được Tỉnh ủy Hậu Giang thực hiện hay không?

Để nắm rõ nội dung này, chúng tôi đã trao đổi cho một số cán bộ có trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương. Các vị này cho biết, ông Thanh không thuộc diện cán bộ luân chuyển nên Ban Tổ chức Trung ương không thụ lý hồ sơ. Vì không thuộc diện luân chuyển, theo phân cấp quản lý thì việc này thuộc thẩm quyền của Ban cán sự Chính phủ và Bộ Nội vụ.

Mặt khác, các cán bộ thuộc diện luân chuyển thì phần lớn được thực hiện ngay năm 2014. Trong khi việc thuyên chuyển ông Thanh vào giữa năm 2015, lúc này các ban của Đảng đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng nên rất bận.

Có vị còn cho biết thêm, về thủ tục, với các vị cán bộ thuộc diện luân chuyển, Ban Tổ chức Trung ương sẽ về địa phương đó công bố công khai với Tỉnh ủy. Do đó, vì không thuộc diện luân chuyển, nên ông Thanh không được Ban Tổ chức Trung ương về công bố với Tỉnh ủy như các trường hợp khác.

Vậy, công luận cũng có quyền đặt câu hỏi: Khi bầu ông Thanh, các đại biểu HĐND tỉnh có biết ông chỉ là cán bộ thuyên chuyển công tác bình thường, chứ không thuộc diện cán bộ luân chuyển được trung ương giới thiệu? Nếu biết ông Thanh chỉ là diện thuyên chuyển công tác từ Bộ Công Thương về thì, các vị đại biểu HĐND tỉnh này liệu có bầu cho ông Thanh?

Trả lời câu hỏi này, ngoài Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, với trách nhiệm “gác gôn” cho Chính phủ về công tác cán bộ, Bộ NV trước khi khẳng định “đúng quy định” có xem xét những yếu tố này?

Về việc này, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương ( thông báo số 89-TB/UBKTTW, ngày 11/7/2016) đã chỉ rõ: “trong việc tiếp nhận, điều động, bổ nhiệm, quy hoạch, giới thiệu bầu cử ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang đối với đồng chí Trịnh Xuân Thanh, các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cá nhân liên quan có khuyết điểm, đã vi phạm nguyên tắc, quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn cán bộ.”

Vậy trong những khuyết điểm nêu trên, trách nhiệm thẩm định của Bộ NV đến đâu khi khẳng định với Thủ tướng Chính phủ là “đúng quy định”?