Dân Việt

Đại án tại VNCB: Nhóm Trần Ngọc Bích “không quen” Phạm Công Danh

Hữu Ký - Quốc Hải 25/07/2016 10:25 GMT+7
Trả lời câu hỏi của HĐXX, bà Trần Ngọc Bích khẳng định không có mối quan hệ nào với Phạm Công Danh, số tiền hơn 5.000 tỷ đồng của nhóm bà bị “bốc hơi” hoàn toàn không có chữ ký của chủ tài khoản và bà Bích chỉ biết bị mất tiền khi được Cơ quan điều tra Bộ Công an thông báo.

Ngày 25.7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) hơn 9.000 tỷ đồng tiếp tục phần thẩm vấn với đại diện nhóm Trần Ngọc Bích.

Tại phiên tòa, bà Bích khai có quan hệ tín dụng với VNCB từ năm 2012 (khi đó ngân hàng này có tên là Đại Tín). "Khi đó, tôi giao dịch với nhiều ngân hàng, nhưng khi được Phạm Thị Trang (còn gọi là Trang "Phố Núi") giới thiệu về VNCB gửi tiền với lãi suất cao hơn 1-2% so với các ngân hàng khác (ngân hàng khác khoảng 9%, VNCB khoảng 10%) nên tôi bắt đầu quan hệ giao dịch với VNCB" - bà Bích khai.

Trả lời câu hỏi của tòa về việc lãi suất cao hơn là nhờ “quan hệ” hay là lãi suất đại chúng, bà Bích cho biết đây là lãi suất công bố. Bà này cũng cho hay không quen biết hay giao dịch trực tiếp với Phạm Công Danh, mà làm việc với VNCB qua một người tên Quyết và giao dịch trong một thời gian dài, có thời điểm gửi hơn 6.000 tỷ đồng. Hiện tại nhóm bà Bích còn khoảng 124 sổ tiết kiệm được gửi tại ngân hàng này.

"Vậy toàn bộ số tiền là của ai, của chị hay nhiều cá nhân?" - tòa tiếp tục hỏi. Bà Bích cho biết: "Số tiền này của nhiều cá nhân và tôi".

Trả lời về mối quan hệ với Trang "Phố Núi", bà Bích cho biết quen nhau vào năm 2012, khi đó Trang "Phố Núi" tự giới thiệu mình là Phó tổng giám đốc nguồn vốn của Ngân hàng Đại Tín.

Cũng theo bà Bích, bà không cho Phạm Công Danh vay mà cho Trang "Phố Núi" vay. “Khi cho chị Trang vay lại có nhiều tài khoản chỉ định, có nhiều tên chủ tài khoản khác nhau. Chị Trang chỉ định chuyển tài khoản nào thì chuyển tài khoản đó, trong đó cũng có tên Danh” - bà Bích nói.

Tòa đặt câu hỏi: "Tháng 21.8.2013, tài khoản vay của nhóm có tới 5.190 tỷ đồng với gần 20 người vay, nhưng sao khi giải ngân lại chuyển về tài khoản chị?". Bà Bích cho biết, nhóm chuyển tiền để phục vụ hợp tác kinh doanh với nhau, có giao bà quản lý nguồn tiền nên chuyển tiền. Sau ngày 21.8 bà không chuyển tiền đi đâu.

img

Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thất thoát cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.

Về việc bị cáo Quyết cho rằng số tiền 5.190 tỷ được sự đồng ý của bà Bích nên mới chuyển Phạm Công Danh, bà Bích khẳng định "điều này không đúng vì không chuyển cho ai". Bà Bích cho biết anh Tuấn (nhân viên giao nhận chứng từ của Tân Hiệp Phát) là người giúp bà nhận hồ sơ từ khách hàng, không có ủy nhiệm chi chuyển tiền từ tài khoản của bà sang cho người khác. Trong tài khoản VNCB vẫn còn số tiền này.

“Ngày 15.7.2014, Cơ quan điều tra có hỏi về việc vay và gửi tại VNCB, có cung cấp thông tin rằng tài khoản hiện tại không có tiền, số tiền đã được chuyển đi, lúc đó tôi mới biết có giao dịch xảy ra dù không có chữ ký của tôi” - bà Bích nói.

Giải thích về việc bị cáo Quyết khai rằng làm theo đồng thuận của bà mới chuyển tiền cho Danh, bà Bích nói: "Tôi giao dịch tại ngân hàng thì tin tưởng ngân hàng sẽ quản lý. Khi tiền chuyển khỏi tài khoản của tôi mà không có chữ ký của tôi thì tôi không chấp nhận".

Với số tiền vay 300 tỷ, bà Bích khẳng định không hề yêu cầu vay số tiền này.

Theo cáo trạng, ngày 21.8 và ngày 26.8.2013 có 5.190 tỷ đồng rút ra từ VNCB (trong tài khoản của Trần Ngọc Bích), nhưng chứng từ không có chữ ký của chủ tài khoản là Trần Ngọc Bích, được chuyển đến các tài khoản của Phạm Công Danh.

Các khoản tiền này, Danh chỉ đạo Hoàng Đình Quyết, Mai Hữu Khương tự ý chuyển sang tài khoản của Danh để Danh tất toán các khoản mà Danh đã vay trước đó của nhóm này và rút từ VNCB ra 300 tỷ đồng đứng tên trong sổ tiết kiệm 3 cá nhân của nhóm Trần Ngọc Bích vay (Ngô Bích Thùy Trang, Nguyễn Thị Mỹ Dung và Trần Hoài Phục), nhưng không có hồ sơ, chứng từ vay. Khoản tiền này đã bị Danh chỉ đạo rút ra chi tiêu, nhưng không giải trình được sử dụng vào việc gì.