Dân Việt

Phải biết giới hạn

05/08/2011 21:00 GMT+7
(Dân Việt) - Mấy năm gân đây, tình trạng sạt lở đất ven sông, kênh rạch, ven núi cũng như nạn thú rừng về làng bản phá phách gây chết người hay tổn thất của cải, xảy ra khá thường xuyên.

Ở một vùng sông nước vốn hiền hòa, trên địa bàn TP.Cần Thơ cũng đã xảy ra 11 vụ sạt lở bờ sông. Những nơi khác của ĐBSCL, ven sông Mekong hay sông Hồng, nạn sạt lở, nứt đất hay “hố tử thần” cũng đang gây hoang mang, lo sợ.

Tại Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Nam..., voi rừng trở lại xâm hại cây trồng, tính mạng con người, nhà cửa và tài sản, lương thực. Những đàn voi dù đang rất hiếm hoi sống bên bờ diệt chủng, nạn nhân truyền kiếp của họa phá rừng đang nổi khùng giành lại không gian để sống.

Thủy điện nhỏ cũng đã gây xung đột trong cộng đồng dân cư nhiều tỉnh trong các năm qua. Đến nay, qua nhiều thiệt hại phải trả giá, mọi người đều thống nhất cho rằng, việc ồ ạt xây dựng thủy điện đã và sẽ gây ra những đợt “nhân tai” với mức độ ngày càng gay gắt.

Một dạng thiên tai mới đang xảy ra. Con người lấn bờ sông, làm nhà tận mép nước để tận dụng nguồn lợi trời cho. Con người phá hoang bừa bãi tìm lương thực mà không biết mình đang tước đoạt nguồn sống của thú rừng. Con người xây đập để làm ra điện, thay đổi cơ bản không những bộ mặt mà còn là bản chất của những vùng đất, vùng rừng rộng lớn. Với 500 thủy điện nhỏ và vừa hiện nay, đã có hàng triệu ha đất rừng, quê hương của thú cũng như lá phổi của thiên nhiên bị nhấn chìm trong nước.

Giang sơn nào, anh hùng nấy. Xâm phạm của nhau là gây xung đột, tai họa. Đã đến lúc con người cần tỉnh táo và kiềm chế, không được tiếp tục coi thường, thậm chí miệt thị thiên nhiên. Thiên nhiên là vô song, bao giờ cũng mạnh hơn con người. Con người chỉ có thể nương theo sức mạnh của thiên nhiên chứ không thể chống lại hay tiêu diệt sức mạnh ấy.

Tỉnh Đồng Nai đang có kế hoạch di dời gần 1.400 hộ dân với khoảng 6.000 nhân khẩu ra khỏi vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu. Đây là hành động thật đáng khích lệ và ghi nhận. Mong rằng, sau đó là ở những vùng đất sạt lở, dân cư hãy trả lại bờ sông cho dòng sông. Thủy điện trả đất rừng cho con người và muông thú. Cái gì cũng phải có giới hạn và con người cần xem lãnh thổ sinh tồn của mình có giới hạn tới đâu trước khi xảy ra thảm họa khó bề cứu vãn.