Dân Việt

Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng và hạnh phúc bình dị bên chồng

Thanh Hiệp 25/07/2016 16:27 GMT+7
Ông hiền lành, bà chung thủy, đảm đang. Vợ chồng già thủ thỉ với nhau trong căn nhà nhỏ ở Gò Vấp, con trai và cháu nội ở gần đó cứ chạy tới chạy lui thăm viếng.

*Phóng viên: Vở cải lương “Bóng tối và ánh sáng” (TG: Hoa Phượng – Ngọc Linh) cách đây hơn 36 năm, NSƯT Thanh Nguyệt đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng mộ điệu cải lương với vai Loan. Trong lần tái ngộ này (trong chuyên mục “Những vở cải lương vang bóng một thời” của Trung tâm HTVC Thuần Việt, do đạo diễn – NSƯT Trần Minh Ngọc dàn dựng) chắc có nhiều kỷ niệm ùa về trong bà?

- Khi biết vở diễn này được truyền hình dựng lại, tôi vui lắm. Không thể cưa sừng làm nghé để diễn vai Loan nên tôi đã vào vai bà Chín – người vú nuôi trong gia đình tiểu tư sản Thế Nam - vai của cố NS Ngọc Nuôi trước đây. Lúc đầu, tôi phân vân không dám nhận lời vì e ngại mình đã có tuổi, sợ diễn có gì sơ xuất, không đúng ý đồ dàn dựng của đạo diễn thì rất uổng. Nhưng những ngày trên sàn tập, khi vào tuồng rồi tôi lại thấy mình vẫn nhớ như in, nhớ chính xác từng lời thoại, câu ca; nhớ từng tích tắc, cách xử lý tình huống trên sân khấu ngày xưa.

img

NSƯT Thanh Nguyệt và ba nam nghệ sĩ gắn bó với Sân khấu Vàng: Hùng Minh, Bảo Quốc và Phú Quý

Chính vì vậy mà trong những ngày tập tuồng, tôi và NSƯT Hùng Minh cũng đã hổ trợ, góp ý cho các nghệ sĩ trẻ rất nhiều với mong muốn vở diễn thật hoàn chỉnh. Khi ra diễn, nhìn NSƯT Thoại Mỹ diễn vai Vân, ngồi trên chiếc xe lăn, bất giác tôi lại thấy bùi ngùi nhớ đến cố NSƯT Thanh Nga. Với tôi, ngày mới về cộng tác ở đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, tôi và cố NSƯT Thanh Nga có tình thân như chị em ruột thịt. Những vai diễn của tôi luôn được NSƯT Thanh Nga hướng dẫn tỉ mỉ từng chút một… Đó là những kỷ niệm đẹp mà tôi không bao giờ quên. Những “người xưa” mà tôi mong muốn được gặp, để được góp phần nhỏ bé của mình vào việc gìn giữ bảo tồn những di sản sân khấu cải lương như những viên ngọc lấp lánh không mòn đi theo thời gian.

Ngày nay, khi không còn tất bật với những sô diễn, những vai tuồng, bà có cuộc sống thật bình lặng bên chồng là NS Quốc Nhĩ cùng gia đình cậu con trai và hai đứa cháu nội. Bà suy nghĩ như thế nào về hạnh phúc gia đình?

- Thỉnh thoảng tôi cũng nhận lời mời tham gia đóng phim. Nhưng vì sức khỏe không cho phép lại thêm không biết đi xe máy nên những khi đi quay phim, ông nhà tôi thường phải đưa – đón, thậm chí có khi ông phải chờ đến 4-5 giờ sáng. Thấy vậy, tôi xót nên chỉ những vai diễn nào thật sự phù hợp, tôi mới nhận lời. Đúng là niềm hạnh phúc nhỏ bé của người nghệ sĩ chính là mái ấm gia đình. Tôi có một điểm tựa vững vàng đó là ông xã và cũng là người đã truyền lại cho tôi nhiều niềm đam mê để cùng ông ấy giữ sáng ngọn lửa yêu nghề. Với tôi, hạnh phúc là khi tuổi già vẫn có người bầu bạn sớm hôm, chỉ đơn giản thế thôi. Đi đâu ổng cũng chở tôi đi, từng ngóc ngách của Sài Gòn, nơi đâu cũng có nhiều kỷ niệm với chúng tôi.

Còn điều gì bà còn hối tiếc trong sự nghiệp của mình?

- Tôi hài lòng lắm, nhất là đến tuổi này vẫn được khán giả yêu mến. Chỉ có điều sức khỏe ngày một kém, suýt bị tai biến nên bác sĩ yêu cầu tôi không được làm việc quá sức. Hối tiếc là chưa thực hiện được một đêm chuyên đề sân khấu của mình để diễn lại những vai diễn mà tôi tâm đắc. Đó là những “người xưa” mà tôi luôn muốn được gặp lại, để cùng khán giả nhớ về thời hoàng kim rực rỡ của những vở diễn mang tính nhân văn sâu sắc như: “Áo cưới trước cổng chùa”, “Lôi Vũ”, “Giấc mộng đêm xuân”, “Lá sầu riêng”…

Nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, ca nhạc vẫn đang hoạt động dù có người đã ở tuổi thất thập cổ lai hy . Bà có nghĩ mình sẽ tiếp tục làm nghề, vượt qua sự khó khăn về sức khỏe để gắn bó với sân khấu, với điện ảnh?

- Ở tuổi 69, tôi luôn được mời tham gia những chương trình quảng cáo đóng các vai nội ngoại trong một gia đình hạnh phúc. Nói thật, có lẽ nhờ thế hệ chúng tôi hồi đó siêng năng, không xem thường nghiệp tổ nên đều có thể gắn bó với nghề cho đến tuổi này, vẫn còn được khán giả yêu mến. Nếu có đủ sức khỏe tôi vẫn tiếp tục gắn bó với sân khấu, với điện ảnh, để dìu dắt, chỉ bảo đàn em. Vừa rồi tôi hỗ trợ cho diễn viên Hoài Anh Kiệt, đóng trích đoạn “Từ Thức lên tiên”. Tôi rất vui và hạnh phúc vì thấy các em trẻ bây giờ rất yêu nghề, mê đắm nghệ thuật cải lương. Nghĩa là có thế hệ kế thừa.

Sau năm 1975 bà về đoàn cải lương Trung Hiếu, Thanh Minh - Thanh Nga rồi Nhà hát Trần Hữu Trang. Khán giả ấn tượng nhất vai bà mẹ du kích trong vở “Hòn đảo thần vệ nữ”, vai nữ tướng Lê Chân trong vở “Tiếng trống Mê Linh”, vai Thái hậu Dương Vân Nga, Kiều Nguyệt Nga, Thị Bình (Lôi Vũ)... bà đều diễn rất chuẩn mực. Nói về những “người xưa” này, bà nhớ nhất điều gì?

- Sự chăm chút trong diễn xuất. Từ vai xã hội cho đến vai diễn trên sân khấu tuồng cổ, lối diễn xuất của cải lương xưa thường rất mộc mạc, đơn giản để khán giả dễ cảm nhận. Các động tác càng nhỏ càng nhanh, khi lên sân khấu càng cần tăng cường những cảm xúc chung quanh lời ca, điệu hát thì khán giả mới kịp nhận thấy. Kiểu cách đi đứng còn dùng để biểu lộ cái "tâm" của nhân vật thiện, ác. Nhất nhất đều phân thành từng bộ riêng, không thể diễn bộ "Trung" cho vai đứa "Hèn" hay vai "Nịnh".

Thậm chí lên ngựa xuống ngựa còn phân biệt “bộ” của trung tướng khác “bộ” nịnh thần. Mọi động tác đã thành thông lệ hay ước lệ. Nhất là vào thời trước khi kỹ thuật âm thanh và ánh sáng chưa đáp ứng được cho nghệ thuật trình diễn, hình ảnh diễn xuất chưa thể kéo lại nhìn gần, không thể "trung cảnh", "cận cảnh", làm tăng cường độ các động tác giúp khán giả xem được toàn cảnh, dù ngồi xa hay gần chiếu diễn (sân khấu) đều nhìn thấy. Nói chung, chúng tôi được phân tích kỹ lưỡng để vai diễn nào ra vai diễn nấy. Tôi nhớ những bạn diễn đã cùng tôi tạo nên bức tranh tuyệt đẹp cho sân khấu, đó là những “người xưa” mà tôi muốn được gặp lại trong những ngày tháng còn gắn bó với sân khấu

img

Ông và bà luôn có nhau từ sàn diễn cho đến đời thường

Để đúc kết cho nghề, bà thường tìm hiểu thêm những bộ môn nghệ thuật khác. Điều gì mang lại cho bà nhiều cảm xúc nhất?

- Âm nhạc trong tuồng. Không biết sao khi nghe tiếng trống, tiếng kèn lá, hoặc những điều hát khách, là trái tim tôi rộn ràng. Âm nhạc trong tuồng đóng một vị trí vô cùng quan trọng, có sức thu hút kỳ lạ, thôi thúc mọi người đến xem hát. Dàn nhạc tuồng chủ yếu làm nhiệm vụ hỗ trợ trong biểu diễn của diễn viên. Trong dàn nhạc tuồng gồm có bộ gõ: trống, thanh la, mõ…; bộ hơi gồm: kèn, sáo…; bộ dây gồm nhị, cò, hồ, đại, tiểu...; bộ gảy gồm: tam, tứ, nguyệt.... Qua tìm hiểu tôi biết nhạc trong tuồng gồm 2 bộ phận chủ đạo: khí nhạc và thanh nhạc. Số lượng nhạc cụ trong dàn nhạc tuồng không cố định về số lượng.

Một dàn nhạc cổ thường gồm có: trống chầu, trống chiến - được mệnh danh là vị phó sư của dàn nhạc, kèn, thanh la. Về sau có thêm trống trận, trống cơm, trống bồng, trống lệnh, trống bản, đàn nhị, sáo, chập choã, não bạt… Hiện nay, tùy theo quan điểm thẩm âm của từng vùng, quy mô, số lượng nhạc cụ trong mỗi dàn nhạc cũng có điểm khác nhau. Học hỏi và tìm hiểu thêm cho nghề sẽ giúp mình có nhiều kiến thức để áp dụng cho vai diễn của mình.

Về kỹ thuật hát, diễn viên hát Tuồng ngoài chất giọng bẩm sinh, cần phải học tập, rèn luyện lâu dài. Sân khấu Tuồng ngày trước thường hát ngoài trời nên cần có chất giọng vang to, ngân dài và khi tập cần phải sử dụng sức rất nhiều. Trong khi học cách phát âm, nhả chữ, họ phải luôn tuân thủ những luật hát rất nghiêm ngặt. Đây là tập hợp những kinh nghiệm, thói quen về ngữ âm, nhận thức thẩm mỹ về thanh nhạc trong nghệ thuật Tuồng của từng địa phương. Bà có nhận thấy điều này?

- Tôi thường xem và yêu thích tích tuồng xưa của hát bội và của tuồng. Diễn viên hát tuồng phải phát âm chính xác các dấu, rõ tiếng, không bị biến âm, không nói ngọng. Vì vậy, trước khi tập hát, các diễn viên thường tập nói, luyện ngữ âm, ngữ khí trong các kỹ thuật nói lối như một trong những phương thức nghệ thuật tinh tế nhằm biểu hiện cảm xúc của nhân vật đến với người thưởng ngoạn. Có thể xem đây như một trong những ngôn ngữ mang đậm yếu tố tượng trưng trong Tuồng. Ngoài ra, người học hát tuồng luôn tuân thủ nguyên tắc: trống -mái theo qui luật âm - dương như trong Kinh dịch.

Chính vì những đặc trưng nêu trên, không thể nghiên cứu nghệ thuật thanh nhạc trong tuồng như phân tích kỹ thuật hát một ca khúc. Đặc trưng của âm nhạc truyền thống Việt Nam là tính ngẫu hứng. Điều này cũng đã không ngoại lệ đối với tuồng, vì vậy, cần nhìn phương diện thanh nhạc trong tuồng bằng cái nhìn đối với một lời nói sân khấu bằng thơ được âm nhạc hoá. Tôi thích những vai diễn trên sân khấu tuồng lắm, đó là những bức tranh sinh động nhất của nghệ thuật dân tộc. Cải lương cũng từ những kinh nghiệm hát tuồng mà biến ngẫu, mà áp dụng với âm nhạc ngũ cung, giản dị đơn sơ nhưng chất chứa biết bao tình. Tôi may mắn là được gắn bó với nghề cho đến ngày hôm nay và là một nghệ sĩ của sân khấu dân tộc.