Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý trình bày tờ trình, đa số ĐB đều bày tỏ sự nhất trí cao với chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992.
Về các nội dung của Tờ trình, ĐB Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng, tuy nói Hiến pháp năm 1992 là bản Hiến pháp đổi mới toàn diện đất nước, nhưng qua nghiên cứu cho thấy, bản Hiến pháp 1992 chủ yếu đổi mới toàn diện về chế độ kinh tế, văn hoá xã hội, về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Còn về bộ máy Nhà nước, Hiến pháp năm 1992 về cơ bản vẫn giữ mô hình của những bản Hiến pháp trước đó. ĐB Nguyễn Đình Quyền cho rằng, trong những định hướng sửa đổi, cần phải nhấn mạnh việc sửa đổi cơ bản nhất là bộ máy Nhà nước. Quyền lực Nhà nước là tập trung và thuộc về nhân dân, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện 3 quyền: Lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Nhiều ĐB cũng cho rằng, nhược điểm của Hiến pháp 1992 là có nhiều quy định quá cụ thể. ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Bắc Giang) cho rằng: Quy định quá cụ thể như vậy sẽ dẫn đến vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Chính vì vậy, ông Cường đề nghị Hiến pháp chỉ nên quy định chung, không nên quá cụ thể. Tốt nhất nên quy định theo hướng mở, chỉ khẳng định những nguyên tắc lớn, đảm bảo sự bền vững của chế độ.
ĐB Phùng Khắc Đăng (Sơn La) đề nghị, khi tiến hành sửa đổi Hiến pháp, chúng ta cũng cần phải đánh giá những thành quả của Hiến pháp 1992, đồng thời cập nhật được những vấn đề mới. Hiến pháp sau khi sửa đổi phải mang tầm cỡ lớn và có tuổi thọ lâu dài. Ông Đăng nhấn mạnh: Sửa gì thì sửa nhưng phải khẳng định được vai trò của Đảng, hệ thống chính trị của đất nước trong Hiến pháp.
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu để trả lời trước Quốc hội vào phiên bế mạc của kỳ họp này.
Nhóm PV