Ngày Nhà giáo VN năm nay đúng vào những ngày thê thảm của miền Trung, lũ chồng lũ kéo dài triền miên, đánh những đòn bồi vào chút sức lực nhỏ nhoi còn sót lại của người dân sau nhiều phen chống chọi với thiên tai.
Trong cảnh tan hoang đó, đáng thương nhất là lũ trẻ đã không có điều kiện để đến trường. Lớp học bị lũ phá hủy, bàn ghế sách vở bị nước cuốn trôi. Thầy cô giáo của vùng nông thôn vốn đã nghèo, sau lũ lụt lại rách nát hơn. Việc nhà chồng chất, còn phải lo xoay xở để cứu cái chữ cho học trò. Năm nào cũng như thế.
Ở miền cao, nhiều nơi học trò đến trường bằng đò ngang, thậm chí là đu dây qua sông. Thầy cô cũng không thể khác, cũng đu dây, chèo xuồng, chống bè vượt sông suối để đi dạy.
Nhiều nơi thiếu ăn, ở trường nội trú, thầy cô giáo mong có ít thịt cá để học trò có chất đạm. Cơ cực vô cùng. Có nhiều địa phương đường đi khó khăn, người dân quá nghèo, học sinh bỏ học. Trường vắng như chùa, thầy cô giáo vào nương rẫy tìm học trò, khuyên các em sau mùa rẫy, cố gắng đi học trở lại.
Ở các tỉnh khu vực ĐBSCL, trẻ em bỏ học đi giăng câu giăng lưới, phụ giúp cha mẹ kiếm thêm cái ăn. Với các em, đói chữ là chuyện xa vời chưa thấy, nhưng đói ăn thì quá rõ, nên chuyện chữ nghĩa tạm gác lại để có được bữa cơm no bụng.
Thầy cô giáo tìm đến từng nhà vận động học trò trở lại trường, thuyết phục phụ huynh cho con đi học. Thầy cô giáo vùng nông thôn, miền núi mong học trò đến trường đã là khó, chuyện dạy thêm để kiếm chút tiền cải thiện cuộc sống là hoang đường.
Ngày Nhà giáo VN luôn nhiều lời ngợi ca nhưng đó chỉ là trên các mặt báo, luôn nhiều hoa tươi và quà tặng nhưng chỉ ở các đô thị. Còn ở vùng nông thôn, quà và hoa là chuyện xa xỉ, thầy cô mong có vài chục nghìn đồng tiền thưởng e cũng khó lòng.
Chúng ta hay ca ngợi những giáo viên vượt khó ở vùng cao, gieo chữ trên non. Các thầy cô ở nơi đó đúng là những anh hùng. Vấn đề là nhà nước, ngành giáo dục không thể bắt họ hy sinh mãi, ca ngợi suông và bỏ quên lời hứa giúp đỡ, luân chuyển họ tới nơi ít khó khăn hơn, sau nhiều năm cống hiến tuổi xuân ở nơi khắc nghiệt.
Hãy hạn chế tối đa những lễ lạt, những lời tụng ca... và thay vào đó bằng những hành động thiết thực để cho những người thầy có cuộc sống tươm tất hơn, tương xứng với những cống hiến của họ đối với đất nước, với sự nghiệp trồng người.
Chân Tâm