Phạm Việt Thép - cựu Giám đốc Công ty An Phát - đã trả lời trước tòa như thế tại phiên xét xử ngày 26.7, liên quan đến hợp đồng cung cấp gói dịch vụ tư vấn nâng cấp hệ thống Corebanking làm thất thoát hơn 63 tỷ đồng của Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Các giám đốc “hờ” tại phiên tòa đại án tại Ngân hàng VNCB.
Bị cáo Thép cũng là anh trai của Phạm Thị Trang (tức Trang "Phố Núi"; đối tượng liên quan đến đại án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng của VNCB, hiện đã trốn ra nước ngoài).
Tại tòa, Thép khai, cuối năm 2012 được Phạm Công Danh nhờ đứng tên làm Giám đốc Công ty An Phát. Các thủ tục mở công ty do Thép thuê công ty dịch vụ làm, làm theo yêu cầu của Danh. Con dấu thì giao cho Nguyễn Thị Quỳnh Trang (nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh) cất giữ. Khi nhận được hợp đồng tư vấn nâng cấp hệ thống Corebanking, Nguyễn Thị Quỳnh Trang đã đưa giấy tờ đến VNCB chi nhánh Lam Giang để Thép ký.
“Trên hợp đồng đã có chữ ký sẵn của anh Phan Thành Mai. Ngoài chứng từ, còn hợp đồng Quỳnh Trang đưa bị cáo ký thì ký chứ không đọc gì cả. Bị cáo không biết tiếng Anh nên thấy từ Corebanking bị cáo không xem qua hợp đồng”, Thép khai tại tòa.
Khi VKS hỏi bị cáo thành lập công ty để làm gì, Thép trả lời, bị cáo làm vì được anh Danh (Phạm Công Danh) nhờ, nhận thức bị cáo hạn chế, không hiểu làm gì, cũng không nhận lương công ty. Đến cuối năm 2013, Thép không làm Giám đốc Công ty An Phát nữa và cũng nghỉ làm hành chính bên VNCB Chi nhánh Lam Giang. Sau đó, Thép làm thủ tục trả công ty lại cho Tập đoàn Thiên Thanh, bàn giao cho Nguyễn Minh Quân làm Giám đốc công ty.
“Bị cáo thấy ký nhiều giấy tờ quá, sợ vi phạm pháp luật nên nói với gia đình thôi không làm Giám đốc Công ty An Phát nữa”, Thép bộc bạch trước tòa.
Được biết, sau khi không làm bộ phận hành chính VNCB Chi nhánh Lam Giang và cũng thôi không làm Giám đốc Công ty An Phát thì Thép chuyển sang làm lao động tự do, trông coi các công trình xây dựng đến ngày bị bắt.
Theo cáo trạng của VKSNDTC, sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank (ngày 6.9.2012), Phạm Công Danh nắm quyền kiểm soát, chi phối Trustbank (sau đổi tên là VNCB). Trong thời gian điều hành VNCB do nhu cầu cần tiền sử dụng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành kiểm soát VNCB, các Chi nhánh VNCB, cấp dưới thuộc tập đoàn Thiên Thanh thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, Phạm Công Danh chỉ đạo thuộc cấp của mình thực hiện một số hành vi: lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB 63,276 tỷ đồng; lập hồ sơ khống về việc thuê trụ sở tại 268 Tô Hiến Thành và 816 Sư Vạn Hạnh, (Q.10, TP.HCM) gây thiệt hại 581,6 tỷ đồng; rút 5.190 tỷ đồng tại VNCB nhưng không được sự đồng ý và không có chữ ký của chủ tài khoản tại VNCB trên các Ủy nhiệm chi và rút 300 tỷ đồng tại VNCB không có hồ sơ vay; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB 903 tỷ đồng. Tổng thiệt hại ở các hành vi trên của Phạm Công Danh cùng thuộc cấp gây hại hơn 7.000 tỷ đồng của VNCB. Bên cạnh đó, từ ngày 28.12.2012 đến ngày 11.3.2014, Phạm Công Danh với vai trò là Chủ tịch HĐQT VNCB đã tổ chức nhiều cuộc họp chỉ đạo một số nhân viên của mình sử dụng pháp nhân của 12 công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh, 2 pháp nhân thông qua mối quan hệ với một doanh nhân ở Gia Lai xây dựng các bộ hồ sơ kinh doanh mua bán nguyên vật liệu khống, phương án trả nợ khống, chỉ đạo định giá nâng giá 13 lô đất thuộc Sân vận động Chi Lăng và lô đất tại 209 Trường Chinh (TP Đà Nẵng) lên nhiều lần làm tài sản đảm bảo để vay tại VNCB 5.000 tỷ đồng. Ngày 4.9.2014, Công ty CP thông tin và thẩm định giá Miền Nam thẩm định các lô đất thế chấp nêu trên chỉ có tổng giá trị trên 2.600 tỷ đồng. Sau khi trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, VNCB không thu hồi được số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. |