Dân Việt

“Nhốt” cưa xăng, rừng không còn chảy máu

Lê San 28/07/2016 06:35 GMT+7
“Từ khi có cưa xăng, nạn phá rừng tại địa phương rất khó kiểm soát. Chỉ cần một buổi sáng là cả vạt rừng trống trơn. Vì vậy, xã đã thuyết phục bà con đem cưa xăng “nhốt” ở UBND xã” - ông Hoàng Văn Mấm-Chủ tịch UBND xã Lũng Hồ (Yên Minh, Hà Giang) nói.

Vận động kiểu “mưa dầm”

Lũng Hồ là một trong những xã có diện tích rừng lớn, trên 900ha với nhiều loại cây gỗ quý. Đầu năm 2016 tới nay, xã thống kê được trên địa bàn có gần 60 cưa xăng. Mỗi cưa xăng giá từ 3 – 3,5 triệu đồng nên gia đình nào cũng có thể mua được. Chủ tịch xã Hoàng Văn Mấm trăn trở: “Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào Mông, bà con cần rất nhiều gỗ để dựng nhà, lấy củi đốt, làm các vật dụng sinh hoạt, trong khi đó rừng lại ở gần khu dân cư. Ngày xưa chưa có cưa xăng, việc chặt cây, phá rừng còn khó. Giờ có cưa xăng rồi, gỗ cứng tới đâu cũng chịu thua. Địa bàn rộng lớn, nhiều khi dân cưa xong rồi lực lượng chức năng mới hay”.

img

Cưa xăng được mang tập trung ở xã để quản lý.  Ảnh:  L.S

Tôi hoàn toàn đồng ý chủ trương của xã, nếu không làm thế, sẽ còn nhiều người phá rừng, gỗ trên rừng sẽ hết. Con cháu mai sau cũng sẽ khổ khi mất rừng. Đem cưa xăng gửi ở UBND xã cũng yên tâm vì luôn có người quản lý, an tâm hơn để ở nhà”. 

Ông Vàng Pà Súng - chủ một cưa xăng ở thôn Làng Qua, xã Lũng Hồ
 

Trước thực trạng trên, chính quyền xã và lực lượng kiểm lâm đã vận động nhân dân mang cưa xăng tới trụ sở uỷ ban để quản lý. “Mới đầu dân không nghe. Họ bảo cưa của nhà tôi mua, sao phải đem gửi ở Ủy ban? Mỗi lần muốn sử dụng lại phải xin phép. Rồi muốn lấy cưa bán cho hộ khác thì làm thế nào? Băn khoăn của bà con rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn kiên trì vận động, thuyết phục. Thế mà thành công đấy” – ông Mâm cho hay.

Người dân nâng cao ý thức tự giác

Địa bàn xã Lũng Hồ khá rộng lớn với 23 thôn, bản nên công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân gặp nhiều khó khăn. Các cán bộ xã, lực lượng kiểm lâm phải phối hợp với trưởng thôn, bản đến từng nhà vận động bà con “nhốt” cưa xăng. Ông Thào Mí Mua - Trưởng thôn Làng Quá chia sẻ: “Tôi cùng cán bộ xã đến từng nhà, giảng giải cho người dân hiểu là quản lý cưa xăng giúp giữ rừng như thế nào. Nhà mình không phá rừng nhưng nhà khác họ lại phá, không quản lý được. Có giữ được rừng mới giữ được nguồn nước cho bà con sinh hoạt. Nói nhiều bà con cũng hiểu ra. Người Mông mình một khi đã thông rồi, ai cũng chấp hành nghiêm túc. Nhà nào có cưa xăng đều đã mang lên xã quản lý”.

Từ 1 thôn, dần dần 23 thôn của xã Lũng Hồ đều đồng tâm thực hiện. Đến nay, 56 chiếc cưa xăng đều được tập trung ở xã. Cưa xăng của ai đều có dán giấy ghi đầy đủ họ tên chủ cưa, địa chỉ. “Ai dùng cưa phải đăng ký số. Lực lượng dân quân và công an xã đảm nhiệm trông coi, kể cả vào ngày nghỉ để bà con cần lúc nào sẽ được lấy cưa xăng lúc đấy. Xã cũng bố trí phòng giữ cưa đảm bảo an toàn, chống cháy nổ. Đồng thời có quy định nếu các chủ cưa muốn dùng cưa, vì mục đích gì, trong thời gian bao lâu, cần viết đơn trình bày, xã sẽ xét duyệt, đúng hẹn được mang về sử dụng, hết hạn đem về giao nộp lại nếu không sẽ bị xử lý. Nhờ sự linh hoạt này mà đến nay sau 3 tháng triển khai thực hiện, việc quản lý cưa xăng trên địa bàn xã không gặp phải sự khiếu kiện, khúc mắc nào từ người dân” – ông Mấm cho hay.