Đến 12h trưa nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai mới bắt đầu có những số liệu ban đầu, theo đó diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng, dập nát đến thời điểm này là 110.100 ha, con số này cũng chỉ mới thống kê từ 2 tỉnh là Nam Định và Ninh Bình. Cụ thể, tỉnh Nam Định có 74.100 ha lúa bị ngập úng, tỉnh Ninh Bình có 36.000 ha lúa bị ngập.
Gió giật lớn, cây trái, hoa màu của người dân Nam Định mất trắng
Đến 12h15 phóng viên Dân Việt mới có thể liên lạc được với phía tỉnh Thái Bình, ông Đinh Văn Trượng – Chi Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Thái Bình cho biết: “Toàn tỉnh Thái Bình mất điện từ đêm qua đến nay chưa có, vậy nên công tác cập nhật tổng hợp thông tin rất khó khăn.
Tính đến thời điểm này tỉnh Thái Bình có 2 người bị thương ở huyện Vũ Thư, về nông nghiệp có 41.200 ha lúa và hoa màu bị ngập trong đó có 39.300 ha lúa ngập sâu, 1.900 ha hoa màu bị giập nát. Đối với thủy sản bị trôi 74 lồng cá, có 25 phòng học ở huyện Vũ Thư bị tốc mái, 2 phòng học bị sập.
12h trưa nay, phóng viên đã liên lạc với các tỉnh Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình nhưng đều chưa liên lạc được. Chi Cục Đê điều và Phòng chống lụt bão tỉnh Ninh Bình cho biết, toàn tỉnh mất điện từ tối qua đến nay nên đang thống kê thiệt hại.
Cũng theo thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đến lúc 12h trưa nay, tại Nam Định có 3 tàu cá với 10 lao động khi tránh trú bão tại cửa sông Sò bị sóng to đánh chìm. Đồn biên phòng Quất Lâm đã cử 6 cán bộ chiến sỹ, 2 phương tiện cứu nạn đưa người trên phương tiện vào bờ an toàn.
Tại Thanh Hóa có 1 tàu cá TH90298TS bị chết máy và chìm cách đảo hòn Mê 3,5 hải lý về phía Nam (5/6 thuyền viên trên tàu đã được tàu TH90817TS đi cùng cứu vớt đưa vào bờ an toàn).
Có 3 tỉnh mất điện toàn tỉnh là Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, có tỉnh đã có điện trở lại.