Trả lời báo chí ngày 28.7 về nghịch lý này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD ĐT) cho biết: “Học sinh miền núi nào đăng ký thi tiếng Anh thì đều đã đầu tư vào học nên điểm thi cao là đương nhiên”
Trước đó, một thống kê khá bất ngờ vừa được trường ĐH FPT công bố dựa trên phổ điểm của thí sinh dự thi kỳ thi THPT quốc gia năm nay cho thấy học sinh ở các tỉnh miền núi có điểm trung bình môn ngoại ngữ cao hơn so với các thành phố lớn như Hà Nội, Tp hồ Chí Minh. Cụ thể, mức điểm trung bình môn ngoại ngữ tại Lào Cai là 4,4 điểm; tỉnh Cao Bằng (4,2), Đăk Nông (4,16) và Lai Châu (4,16).Trong Khi đó Tp Hồ Chí Minh chỉ xếp thứ 5 với mức điểm 4,11; đặc biệt hơn Hà Nội xếp thứ 13 với mức đểm là 3,56, Đà Nẵng là 3,53…
Phân tích về nghịch lý này, ông Trinh cho biết: “Con số đó không phản ánh chất lượng môn ngoại ngữ ở các tỉnh miền núi tốt hơn các thành phố lớn. Tuy nhiên, có một lý do khá hợp lý là: Theo quy định của Bộ GD ĐT, đối với học sinh vùng khó khăn, chưa có điều kiện tốt để học môn tiếng Anh, Bộ cho phép học sinh có thể sử dụng môn thi thay thế. Chính vì vậy, hầu hết các em đã dùng môn thay thế để dự thi. Số ít thí sinh ở các vùng này thi ngoại ngữ là các em theo khối D dùng môn thi này để xét tuyển ĐH CĐ. Những em này đều đã đầu tư vào học môn ngoại ngữ nên kết quả thi cao là đương nhiên. Ví dụ như, tại Lào Cai, cả tỉnh có 524 thí sinh dự thi môn tiếng Anh thì đã có 502 em có nhu cầu xét tuyển vào ĐH CĐ trong khi đó hầu hết học sinh thành phố đều chọn thi ngoại ngữ kể cả xét tuyển hay không xét tuyển nên điểm trung bình không được chọn lọc” – ông Trinh nói.
Giải thích vì sao phổ điểm môn ngoại ngữ quá thấp so với các môn thi khác, Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga cho biết là do năm nay Bộ GD ĐT yêu cầu ngoại ngữ là môn thi bắt buộc (không còn tự chọn như các năm trước nữa) trong khi trình độ tiếng Anh của học sinh và trình độ giảng dạy của giáo viên chưa được như mong muốn. Sau kết quả này, Bộ GD ĐT cũng sẽ có hướng điều chỉnh lại cách dạy, cách học để nâng cao chất lượng môn ngoại ngữ. Tuy nhiên, ông Ga cũng khẳng định chất lượng môn này không thể một sớm một chiều mà cải thiện ngay được:
“Một tín hiệu mừng nhìn từ phổ điểm ngoại ngữ là vẫn có rất nhiều thí sinh đạt điểm cao, số lượng thí sinh đạt trên 5 điểm cũng rất nhiều, với mức điểm sàn 15 cho khối D thì các trường tuyển sinh khối thi có môn ngoại ngữ vẫn không lo không tuyển đủ” – ông Ga nói