Phóng viên: Trở về Việt Nam lần này không phải vì một sô diễn mà để làm giám khảo cho một chương trình thi hát, cảm giác của anh lúc này thế nào?
- Tôi hơi run với vị trí của mình.Nếu đứng hát thì tôi chẳng còn sợ gì nữa vì kinh nghiệm nhiều năm trên sân khấu biểu diễn rồi. Nhưng giám khảo một chương trình truyền hình phát biểu nhận xét thí sinh trước hàng triệu khán giả trên sóng truyền hình trực tiếp thì đây là lần đầu tiên. Tôi bỡ ngỡ với công việc này, cần phải có nhiều thời gian để làm quen dần.
Vì sao anh lại nhận lời làm giám khảo cho chương trình "Tiếng hát mãi xanh" mà không phải chương trình nào khác?
-Năm ngoái khi được mời biểu diễn trong đêm chung kết chương trình "Tiếng hát mãi xanh", tôi cũng có dịp theo dõi để biết được một ít về chương trình này. Tôi thấy chương trình đáng mến quá vì mình cảm nhận được tình yêu vô tận của thí sinh với âm nhạc, bất chấp tuổi tác. Tôi cũng là một người yêu nhạc ghê gớm lắm nên tôi hiểu tình yêu của các họ dành cho âm nhạc như thế nào. Thế nên, khi biên tập viên chương trình MC Quỳnh Hương có lời mời tôi tham gia chương trình với vai trò giám khảo, tôi nhận lời ngay.
Là một danh ca lại chấm thi những giọng ca không chuyên, ắt hẳn thí sinh sẽ gặp khó?
-Ngược lại, chính tôi mới gặp “khó” khi những giọng ca của cuộc thi này cho tôi cảm giác rất tuyệt. Tôi đâu đi tìm những giọng ca có kỹ thuật đỉnh cao đâu mà làm khó thí sinh. Tôi ngồi đây giống như một người nghe hát. Giọng ca nào cho tôi cảm xúc tròn đầy, hát đúng nhịp, rõ lời, họ cũng chẳng vấp phải lỗi kỹ thuật gì thì hà cớ gì tôi phải khắt khe.
Nhưng anh quá tiếng tăm, nếu quá dễ dãi, e rằng không đủ sức thuyết phục người xem?
-Hát khó lắm! Tôi đây cũng có phải là người hát giỏi đâu. Nếu bạn đánh một cây piano, khi nó cũ đi, bạn có thể mua cây piano mới mà đánh. Trong khi ca sĩ, nhạc cụ của họ chính là cổ họng. Càng già thì cổ họng càng cũ. Nhưng đâu giống cây đàn piano, cũ là bạn có thể bỏ nó đi được. Thế nên, tôi biết hát khó lắm chứ không phải dễ đâu.
Tôi không rõ lắm về thị trường nhạc Việt hiện nay nên lấy ví dụ ở Mỹ. Ở đó, có hàng ngàn ca sĩ đấy chứ nhưng đâu phải ai cũng nổi tiếng, ai cũng có thể đi hát đến lúc 90 tuổi như Tony Bennett. Tôi cũng già rồi nhưng tôi vẫn hi vọng mình còn được hát 25 năm nữa, bằng với tuổi TonyBennett bây giờ.
Anh nhắc đi nhắc lại rằng, hát rất khó. Những tưởng mấy mươi năm đứng trên sân khấu, đúc kết về nghề hát của anh là điều khác chứ không phải là khó?
-Càng thêm tuổi, bạn sẽ càng nhận ra những thứ tưởng như rất đơn giản trước đây có khi lại quật ngã mình đấy. Hát được một ca khúc chắc là không khó nhưng hát để khán giả thích lại là việc quá khó. Như tôi đã nói, có hàng tỉ người yêu hát, hàng triệu người muốn trở thành ca sĩ, hàng ngàn người là ca sĩ nhưng nổi tiếng có mấy người thôi. Nên thật ra, công việc ca hát là một việc rất khó đấy.
Hát nhạc Việt, sống trời Tây cùng với kinh nghiệm nhiều năm đi hát, anh thấy lỗi chung nhất của ca sĩ Việt là gì?
- Là nhịp nhạc. Nhạc Việt xưa nay vốn dĩ không coi trọng nhịp nên với âm nhạc hiện đại, xu hướng âm nhạc phương Tây bây giờ, nhịp chính là rào cản lớn đấy. Đặc biệt với những ca sĩ hát nhạc cổ điển, nhịp nhạc thực sự là một thách thức.
Cuộc sống của anh bây giờ thế nào?
- Cũng bình thường thôi. An nhiên, tự tại. Tôi là người mê nhạc nên đến giờ, tôi vẫn còn được gắn với âm nhạc, tôi hạnh phúc quá còn gì.