Dân Việt

Xét tuyển ĐH-CĐ 2016: Bất ngờ điểm sàn

Quốc Hải 28/07/2016 17:36 GMT+7
Điểm sàn vào các trường ĐH ngoài công lập đều bằng điểm sản của Bộ GD-ĐT công bố, tuy nhiên, mức điểm sàn vào các trường ĐH công lập lại “biến thiên” khá bất ngờ…

Gây “sốc” nhất vẫn là mức điểm sàn của ĐH Bách khoa TP.HCM (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) và điểm sàn của ĐH Sư phạm TP.HCM khi tất cả các ngành của 2 trường thuộc “top đầu” này lại chỉ lấy mức điểm sàn chung là 15 điểm.

img

Xét tuyển năm 2015 vào ĐH Nguyễn Tất Thành

Bất ngờ điểm sàn trường công lập

Theo TS Lê Chí Thông, trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thì dù lấy 15 điểm cho tất cả các ngành nhưng đây chỉ là điểm nhận hồ sơ, còn mức điểm chuẩn chính thức của trường thì phải đợi đến ngày công bố kết quả thì mới có nhưng dự báo sẽ rất cao. “Thí sinh nên tham khảo điểm chuẩn của trường năm 2015 để cân nhắc trước khi nộp hồ sơ. Tuy nhiên, do  mặt bằng điểm thi năm nay cũng khá thấp nên dự kiến điểm chuẩn vào trường có thể giảm từ 1 đến 2 điểm, tùy ngành”, ông Thông nói.

Tương tự, điểm xét tuyển cho tất cả các ngành, tổ hợp năm 2016 của Trường ĐH Sư Phạm TP.HCM là 15. Theo đại diện phòng đào tạo nhà trường thì, do mặt bằng điểm thi của thí sinh năm nay không cao, nhất là điểm môn tiếng Anh lại khá thấp nên dự kiến điểm chuẩn vào trường có thể sẽ thấp hơn năm ngoái, nhất là các ngành tuyển tổ hợp có môn tiếng Anh thì sẽ càng thấp.

Điểm sàn xét tuyển vào ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM là 16 với các ngành công nghệ thực phẩm, công nghệ sinh học, công nghệ hóa học, đảm bảo chất lượng & an toàn thực phẩm… các ngành khác thuộc khối điện tử, tài chính, cơ khí… đều có mức sàn là 15; đối với hệ CĐ thì điểm sàn cho tất cả các ngành là 10 điểm. Theo ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết: “Điểm trúng tuyển sẽ được xét theo ngành và công bằng giữa các thứ tự trong các nguyện vọng đăng ký”.

Cụ thể, ông Sơn ví dụ, với ngành Công nghệ sinh học xét từ 04 tổ hợp môn A00, A01,D01,B00 thì điểm trúng tuyển của các tổ hợp môn là như nhau, không phân biệt tổ hợp môn khác nhau. Chính vì vậy, thí sinh nên chọn tổ hợp môn có điểm cao nhất để nộp. Ngoài ra, thứ tự ngành trong các nguyện vọng đăng ký công bằng, có nghĩa là thí sinh có thứ tự số 1 là ngành công nghệ sinh học và thí sinh có thứ tự thứ 2 cũng là ngành công nghệ sinh học thì điểm trúng tuyển là như nhau.

Tuy nhiên, bất ngờ nhất vẫn là mức “điểm sàn” vào ĐH Nông Lâm TP.HCM khi năm nay mức điểm sàn lại cao hơn năm ngoái 1 điểm. TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cho biết điểm sàn xét tuyển vào trường cho tất cả các ngành, các tổ hợp xét tuyển là là 18, cao hơn 3 điểm so với điểm sàn của Bộ GD-ĐT. Điểm sàn xét tuyển cho phân hiệu Gia Lai là 16 (tăng 1 điểm so với năm 2015). Điểm sàn cho tất cả các ngành, tổ hợp xét tuyển tại phân hiệu Ninh Thuận là 15.

Ngoài công lập: Đa số nhận điểm sàn 15

Trong khi “điểm sàn” ở các trường công lập “biến thiên” có tăng, có giảm so với năm 2015 thì ở đa số các trường ngoài công lập, mức điểm sàn đều bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT: 15 điểm cho tất cả các ngành, khối thi. Chẳng hạn, tại ĐH Nguyễn Tất Thành, năm nay trường có tổng chỉ tiêu các ngành là 6.300, trong đó ĐH là 4.800 chỉ tiêu, CĐ 700 chỉ tiêu, ĐH liên thông 800 chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Bá Anh, phòng tuyển sinh nhà trường thì năm nay trường nhận điểm sàn 15 cho tất cả các ngành hệ ĐH.

Tương tự, ĐH Văn Hiến cũng nhận điểm sàn cho tất cả các ngành hệ ĐH  là 15 điểm. Ngoài ra, trường cũng xét tuyển theo kết quả học bạ THPT gồm: Thí sinh có tổng điểm trung bình của 3 môn xét tuyển trong 3 học kỳ (2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 của lớp 12) hoặc trong 2 học kỳ (lớp 12) đạt từ 18 điểm đối với bậc ĐH. Riêng với bậc CĐ chỉ cần thí sinh có giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT là trúng tuyển.

Còn tại ĐH Kinh tế  - Tài chính TP.HCM, “điểm sàn” năm nay khá bất ngờ, trong số 12 ngành hệ ĐH  (1.350 chỉ tiêu) thì chỉ có 6 ngành lấy điểm 15, các ngành còn lại lấy điểm từ 15,5 lến 18 điểm. Hệ CĐ của trường cũng lấy mức điểm 12 cho 9 ngành ngành đào tạo.