Anh Minh kể: “Lúc mới lấy nhau, 2 vợ chồng đều không có việc làm ổn định. Một lần chở vợ đi đặt mua dụng cụ lao động ở một lò rèn, tôi quan sát thấy nghề rèn sắt làm nông cụ không khó lắm. Tôi bàn với vợ về việc học nghề rèn”. Vì nhà còn nghèo, lại ít đất sản xuất, khi nghe chồng nói, vợ anh Minh ủng hộ ngay.
Anh Đỗ Văn Minh với chiếc búa máy dùng điện thay búa tay do anh cải tiến. Ảnh: T.H
Thời gian đầu anh Minh xin vào làm mướn cho một lò rèn ở tít trên tỉnh Bình Phước. Sau một thời gian vừa làm công vừa chăm chú kỹ thuật sản xuất, từ cách xây lò, chọn than, đến mua sắm máy mài, máy cắt... Khi thấy vững tay nghề, anh xin nghỉ việc, trở về quê cùng vợ gom góp tiền đầu tư mở lò rèn riêng tại nhà. Anh Minh còn hướng dẫn vợ làm phụ những công việc phù hợp. Nhờ sản phẩm được làm cẩn thận, có chất lượng, nông cụ của xưởng rèn anh Minh nhanh chóng được người dùng chấp nhận, hàng bán rất chạy.
Những năm gần đây, nông dân ở Dương Minh Châu chuyển từ đất lúa một vụ sang trồng cao su. Nắm bắt được nhu cầu, vợ chồng anh Đỗ Văn Minh sản xuất thêm mặt hàng dao cạo và một số dụng cụ phục vụ công việc thu hoạch mủ cao su.
Chị Lê Thị Trường – vợ anh Minh nói: “Nghề rèn khó làm giàu như một số nghề thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, nhưng nhờ siêng năng lại biết giữ chữ tín về chất lượng nên mỗi tháng sau khi trừ mọi chi phí, vợ chồng em còn lãi hơn 10 triệu đồng”. Không chỉ làm nghề rèn, vợ chồng anh Minh còn chăn nuôi gà, heo để tăng thu nhập. Đây cũng là bí kíp giúp vợ chồng anh có điều kiện nuôi 2 con học đại học; tham gia vận động quyên góp ủng hộ người nghèo, Quỹ Hỗ trợ nông dân hoặc tham gia xây dựng nông thôn mới.