Không thể có câu trả lời chính xác, hai vấn đề đó là mối quan hệ biện chứng để dẫn đến một thảm họa mới cho bóng đá Việt Nam trong khoảng thời gian ngắn nữa: Bạo lực. Vượt qua mối lo ngại về những tiêu cực, mua, bán, ân tình... lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã chính thức tuyên bố, Ban tổ chức giải sẽ dồn sức cho việc ngăn chặn bạo lực sân cỏ ở những vòng đấu cuối. Tiền thưởng! Đó là phương thuốc duy nhất để có thể kích thích một nền thể thao "ăn xổi" và những hệ quả tiêu cực của nó là cái người ta buộc phải đón nhận.
Việt Nam đã có HCV wushu thế giới, thậm chí có HCV ngay trên cái nôi của wushu là Trung Quốc... Chỉ sau vài năm kể từ chiếc HCV đó của VĐV Thúy Hiền, wushu Việt Nam phát triển đến độ nó lấn át nhiều môn thể thao cơ bản khác. Đó là chính là ngón "võ" siêu đẳng của Trung Quốc nhằm quảng bá môn võ thuật này ra khắp thế giới...
Giải Vovinam thế giới tổ chức tại Việt Nam hai lần chứng kiến màn "võ" tệ hại của Việt Nam khi muốn giới thiệu Vovinam trên toàn thế giới. Giải lần đầu, đoàn chủ nhà Việt Nam "vơ" tới 23 HCV, đến giải lần này, con số HCV Việt Nam đạt được vẫn “khủng”: 20 chiếc. Lý giải cho việc (nói như nghề viết báo): Tự viết - tự biên tập - tự chấm nhuận bút rất "mất khách" này, những nhà làm quản lý thể thao lý giải: Tại tiền thưởng. Không biết Ất - Giáp ra sao nhưng mỗi chiếc HCV (Vô địch thế giới?!) này có mức thưởng (theo quy định của Chính phủ) là 60 triệu đồng. Những 60 triệu kia mà, việc quảng bá Vovinam là việc của nhiều năm nữa, năm nay ta hãy cứ kiếm cho bản thân, cho đoàn mình gói tiền thưởng 1,2 tỷ kia đi đã.
Tiền thưởng trong khuôn khổ một nền thể thao "ăn xổi" bỗng lại trở thành liều thuốc độc.
Tuấn Lệ