Thuốc Amakong ở đâu cũng vậy
Làm thuốc ở nhà con gái út Amakong. Ảnh: B.T
Tụi tui cũng mệt không muốn kiện cáo gì hết, cứ để cho bọn họ muốn làm gì thì làm, nhưng mà thử in bao bì giống trong này coi, tui ra dỡ nhà. Thuốc Amakong ở nhà này mà có chuyện gì thì cứ đến đây gặp, tui sẽ giải quyết, còn chuyện mua thuốc ở ngoài thì dù hậu quả như thế nào cũng không can hệ đến tui”. Con gái út vua săn voi Amakong |
Tôi đến Buôn Đôn, nơi nhạc sĩ Phạm Tuyên từng thai nghén ra bài hát “Chú voi con ở Bản Đôn” nức tiếng vào một ngày trời nắng dịu. Buôn Đôn dường như đã mất đi vẻ ban sơ của núi rừng hoang dại, khi những cửa hàng mái tôn, mái ngói bán quà lưu niệm, đứng chen chúc với những ngôi nhà sàn tiều tụy vì thời gian. Con đường dẫn vào nhà hàng - nơi thường xuyên phục vụ các bữa ăn cho khách tham quan Buôn Đôn chỉ chừng 300m mà tôi đếm được khoảng 20 cửa hàng bán quần áo, mũ nón, nhẫn lông đuôi voi các thứ. Các cửa hàng bán đồ lưu niệm tuy to nhỏ khác nhau, các mặt hàng tuy có khác nhau về hình dáng, kích thước, nhưng 100% các nơi có bảng hiệu căng lên đều bày bán một thứ thuốc: Thuốc Amakong. Thuốc Amakong với người dân nơi miền ngược heo hút này ắt hẳn đã không còn xa lạ. Thuốc Amakong với người miền xuôi nơi đồng bằng bãi lúa, đặc biệt với những gia đình hiếm muộn về đường cái con càng không hề lạ lẫm. Thuốc Amakong tác dụng phụ trị đau lưng, nhức mỏi còn công dụng chính là tráng dương bổ thận cho cánh đàn ông.
Trong vai một khách hàng đến tìm mua thuốc, tôi đi một lượt các cửa hàng để khảo giá và như lạc vào mê hồn trận của thuốc. Thuốc bày tràn ngập các mặt bàn trước cửa quán, thuốc ngự ngạo nghễ trên các chạn tủ phía nhà trong. Cửa hàng nào, bao bì nào cũng in hình vua săn voi Amakong đang thổi một khí cụ làm bằng ngà voi bị nhoè, mờ. Tuy hình dáng giống nhau nhưng giá thuốc cũng năm bảy đường. Gói nhỏ 2 vị- 40.000đồng; gói lớn 5 vị- 80.000đồng; gói đặc biệt 150.000đồng; đặc biệt hơn nữa giá 200.000đồng. Nhìn cũng thuốc ấy, thành phần cũng là bấy nhiêu ấy: Chuối hột, củ khúc khắc, nấm linh chi... nhưng mỗi cửa hàng niêm yết một giá làm cho tôi - một khách hàng tay mơ - thờ thẫn chơi trò “Hãy chọn giá đúng”. Gói thuốc nào cũng chình ình một dòng chữ: Thuốc Amakong chính hiệu!
Vào một cửa hàng lúc mặt trời đã đứng bóng, ngắc ngoải đứng dòm tới dòm lui chồng thuốc ê hề trên bàn chừng năm phút mới có một chị tất tả chạy ra. Chị chủ cửa hàng tên T nhanh nhảu giới thiệu công dụng trị bách bệnh của gói thuốc Amakong tôi đang cầm trên tay. “Thuốc này nhà mình tự bào chế hay sao chị?” - tôi hỏi để chặn lại dòng suối từ quảng cáo đang tuôn ra ào ạt từ khoé miệng hơi trễ của chị. Chị trả lời: “Không em, thuốc này người dân đi hái về bán cho mình”. Sau một hồi chị chị em em tôi cũng tìm được cớ thối lui mà không cần phải cõng bịch thuốc có hình Amakong theo.
Quyết tâm tìm cho ra lý do của sự chênh lệch giá cả quá mức ấy, tôi đi bộ đến một ngôi nhà nằm biệt lập với các cửa hàng khác nhưng cũng bày bán thuốc Amakong để hỏi. Sau khi nghe đến lần thứ mười mấy câu trả lời giống nhau cho những câu hỏi cũng giống nhau nốt của tôi, tôi bèn hỏi chị bán hàng: “Thuốc này là do người dân ở đây hái về đem bán thì sao lại lấy tên Amakong để đặt cho thuốc hả chị?”. Chị bán hàng hơi đậm người, hồn nhiên giải thích theo nguyên lý bắc cầu: “Thuốc này do người dân Ê Đê làm ra mà ông Amakong cũng là người Ê Đê, tụi tui lấy tên Amakong đặt cho thuốc”.
Thử làm giống đi, tui ra dỡ nhà
Thuốc Amakong được bày bán tại một cửa hàng. Ảnh: B.T
Rời các cửa hàng bán thuốc Amakong với muôn hình mọi giá, tôi tìm đến ngôi nhà nơi vua săn voi vĩ đại Amakong trút hơi thở cuối cùng. Căn nhà sàn nằm im lìm trong một khuôn viên khá rộng có tường rào sắt bao bọc. Qua song sắt, tôi thấy lố nhố 3-4 người phụ nữ đang chặt những khúc cây. Tiếng dao va vào thớt làm chộn rộn cả một khoảng không gian. Mấy người phụ nữ đã thấy tôi, một người tần ngần chạy ra mở cổng.
Khoảng sân trống trước nhà được trưng dụng để phơi thuốc. Những tấm vải bạt xanh đầy nghẹt những đoạn cây cắt nhỏ. Phía trong có chừng 15 bao tải to tướng đựng thuốc đã phơi khô nằm lăn lóc lên nhau. Người phụ nữ ra mở cổng cho tôi là người con gái út mà nghe đâu lúc Amakong tròm trèm 90 tuổi đã có với người vợ tư nhờ bài thuốc của mình.
Bỏ mặc vị khách ngồi chỏng chơ, lật tới lật lui xem xét hết bốn mặt của cây thuốc cũng như đưa lên miệng nếm thử, họ làm không ngừng tay, miệng không ngừng nói.
Cây thuốc trong bài thuốc bí truyền của Amakong nhìn giống như một khúc cây thông thường to bằng 2 ngón tay ghép lại, thân màu nâu thô ráp, còn lớp bên trong có màu trắng sữa. Khi tôi hỏi người con gái út có phải đây là cây khúc khắc không thì chị lắc đầu và vẫn cắm cúi làm. Một lát sau, chị mới nói thêm: “Người Kinh không biết cái này đâu, biết thuốc là được rồi”. Biết có hỏi thêm cũng đừng mong biết tí chút gì về bài thuốc Amakong nổi tiếng này, tôi lân la gợi chuyện với một chị đang nghỉ tay ăn trầu và cầm khúc cây lên để chặt thử. Khi thấy họ bắt đầu cười với tôi nhiều hơn thì tôi hỏi: Thuốc bán ở ngoài có phải của nhà mình không chị? “Thuốc chỉ bán ở nhà thôi. Ở ngoài đâu phải, tụi nó bán toàn thứ bậy bạ. Thuốc gì cho cả nấm linh chi với chuối hột vào. Mà nấm linh chi thật đắt lắm, làm gì có bỏ vào thuốc rồi bán với giá mấy chục” - chị ngồi bên tôi nhăn mặt nói. Được lời như cởi tấm lòng, họ thi nhau “kể tội” những cơ sở bán thuốc ở ngoài. Nào là họ lấy hình ông Amakong trong lễ hội Festival về phóng ra rồi in trên bao bì. “Để hình ông mới bán được chớ, không thì ai thèm mua, nhà này bán thuốc thật nên có cần để hình ông đâu”. Họ nói tất cả những thứ đó bằng tiếng Kinh lơ lớ.
Theo lời người con út, công việc làm ăn của họ cũng khá phát đạt khi các đơn đặt hàng từ thành phố cứ gửi về tới tấp. Tôi mới hỏi tại sao nhà không đăng ký bản quyền để tránh tình trạng người ta lấy thương hiệu Amakong để kinh doanh thì cô con út trả lời: “Tụi tui cũng mệt không muốn kiện cáo gì hết, cứ để cho bọn họ muốn làm gì thì làm, nhưng mà thử in bao bì giống trong này coi, tui ra dỡ nhà. Thuốc Amakong ở nhà này mà có chuyện gì thì cứ đến đây gặp, tui sẽ giải quyết, còn chuyện mua thuốc ở ngoài thì dù hậu quả như thế nào cũng không can hệ đến tui”.
Cách đó vài chục cây số, ông Khăm Phết Lào - con trai của vua săn voi cũng đang sản xuất thuốc tráng dương bổ thận Amakong với dòng quảng cáo: Thuốc gia truyền, chỉ bán tại nhà!