Chiều 29.7, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.
Tại buổi họp báo, báo chí đã đặt vấn đề sao không đưa vấn đề giám sát môi trường và đưa vụ Formosa vào chương trình giám sát của Quốc hội.
Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XIV.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội cho biết: Chương trình giám sát năm 2017, làm theo quy trình chặt chẽ. "Vừa qua chúng tôi gửi xin ý kiến đến 77 đơn vị, cơ quan về những nội dung liên quan đến giám sát của Quốc hội, đã thu được 189 ý kiến về các lĩnh vực đề nghị Quốc hội giám sát. Sau đó Tổng thư ký Quốc hội đã gom vào thành 30 vấn đề, chúng tôi chọn lần nữa rồi mời các thành viên Hội đồng dân tộc các Ủy ban của Quốc hội tham gia rà soát lại rồi lọc ra thành 6 chuyên đề lớn. Trên cơ sở 6 chuyên đề lớn đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn 4 chuyên đề lớn để báo cáo với Quốc hội" - ông Phúc cho biết.
Vẫn theo ông Phúc, trong 4 chuyên đề lớn Quốc hội đã chọn ra 2 chuyên đề để giám sát năm 2017, còn 2 chuyên đề còn lại giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát. "Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu đến tất cả các ĐBQH để xin ý kiến lựa chọn vấn đề giám sát. Trên cơ sở số phiếu ĐBQH gửi lại chọn tính từ cao xuống thấp, chúng tôi chọn ra 2 chuyên đề. Đó là việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016 và việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016"- ông Phúc cho biết.
Theo ông Phúc, trong quá trình thảo luận cũng có ĐBQH phát biểu đặt vấn đề giám sát Formosa. Chúng tôi đã có báo cáo giải trình trước Quốc hội về vấn đề này. Trong vụ sự cố Formosa, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã vào cuộc rất quyết liệt, đã xác định được nguyên nhân, thủ phạm gây ra việc ô nhiễm môi trường dẫn đến hải sản chết hàng loạt. Phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao cho Ủy ban khoa học công nghệ môi trường thường xuyên vào hiện trường theo dõi và báo cáo.
Báo chí đặt tiếp câu hỏi, việc Quốc hội giao cho một Ủy ban giám sát sự cố Formosa liệu vấn đề có bị coi nhẹ không?
Trả lời câu hỏi này, ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, không thể đặt vấn đề không coi trọng hay xem nhẹ sự cố liên quan đến Formosa. Theo quy định về Luật hoạt động giám sát của Quốc hội thì giám sát của Quốc hội là có 5 cấp độ, thứ nhất là giám sát tối cao của Quốc hội, thứ hai là giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thứ ba là giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, thứ tư là giám sát của Đoàn ĐBQH, thứ năm là giám sát của các ĐBQH.
"5 cấp độ giám sát tạo thành tổng thể hoạt động giám sát của Quốc hội. Hoạt động giám sát nào cũng có địa vị pháp lý, có hiệu quả pháp lý của từng cấp độ đó. Vụ liên quan đến Formosa, trên cơ sở kết quả giám sát của Ủy ban khoa học công nghệ môi trường, Quốc hội sẽ nghe và có những chủ trương, quyết định tiếp theo" - ông Hùng cho biết.
Tra lời câu hỏi liên quan đến chuyện máy bay rơi, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đã có trong báo cáo Chính phủ, vụ việc đã rõ, còn nguyên nhân liên quan hộp đen thì Bộ quốc phòng đã gửi sang hãng hàng không bên Pháp để tiến hành xác định nguyên nhân, hiện chưa có kết quả.