Không còn được ví như "cây vàng" như cách đây hơn chục năm, theo nhiều người trồng vải của các xã Thanh Sơn, Thanh Xuân, Phượng Hoàng, Thanh Thủy, Thanh Cường…, vải Thanh Hà đến nay đã hết thời.
"Ghẻ lạnh" với vải
Tại xã Thanh Xuân, trước vụ vải năm nay, toàn xã có 340ha vải (trong tổng số 450ha đất nông nghiệp), hơn 100ha đất trồng ổi. Nhưng sau vụ thu hoạch vải vừa rồi, người dân đã chặt phá gần 200ha vải và thay vào đó là những gốc ổi.
Cây ổi đang "lên ngôi" trên đất vải Thanh Hà. |
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã, vụ vải 2011, toàn xã có khoảng 1.100 tấn vải, thu về 4,5 tỷ đồng. Trừ chi phí chăm sóc, thu hoạch, người dân chỉ nhận lại được tiền công lao động do chính mình bỏ ra. Trong khi đó, theo hạch toán của ông Nguyễn Văn Khuyên, nông dân xã Thanh Xuân, ổi bán tại vườn giá từ 8.000-12.000 đồng/kg, lại cho thu hoạch quanh năm, công chăm sóc không nhiều, tính ra giá trị của cây ổi gấp 3-5 lần so với trồng vải.
Ông Nguyễn Huy Nuôi - Chủ tịch UBND xã Phượng Hoàng cho biết: Toàn xã từ đầu vụ đến nay đã chặt bỏ khoảng 50ha trong tổng số 200ha vải. Hiện nay, nhiều gia đình tiếp tục phá vải trồng ổi, quất, chuối hoặc chuyển sang trồng lúa (đối với đất trồng vải xen canh lúa).
"Chúng tôi chỉ duy trì khoảng 80ha vải theo quy hoạch, còn lại phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân" - ông Nuôi cho biết thêm.
Còn theo ông Trần Đức Loản - Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn, đầu vụ 2011, toàn xã có 370ha trồng vải (giảm 10% so với năm 2010), nhưng đến nay chỉ còn khoảng 150ha trồng vải. “Tình trạng chặt vải để trồng các loại cây khác đã diễn ra vài năm gần đây, bởi thực tế người dân không còn mặn mà với cây vải nữa - ông Loản nói.
Mừng ít, lo nhiều
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Thanh Hà, từ năm 2005 đến nay có khoảnh 1.000ha trồng vải đã bị chặt. Dù đã được cấp chỉ dẫn địa lý nhưng 1ha vải chỉ cho thu nhập 40 triệu đồng. Trong khi đó những cây trồng khác như ổi, chuối, quất lại cho giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 1.000ha ổi cho thu nhập 200 triệu đồng/ha/năm; 500ha quất thu nhập 150 triệu đồng/ha/năm; các loại cây chuối, thanh long… cũng cho thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Vụ vải năm nay, Thanh Hà được mùa với sản lượng 30.000 tấn. Tuy nhiên, giá vải bán tại gốc chỉ 3.000-5.000 đồng/kg (thời điểm thu hoạch rộ). Ông Vũ Văn Thọ ở xã Thanh Sơn cho biết, gia đình có 9 sào vải, sản lượng đạt 4 tấn quả. Giá vải thấp, giá thuê nhân công thu hoạch vải cao nên gia đình chỉ thu được 3 tấn, còn lại để vải chín rụng hoặc chặt bỏ cây luôn.
Năm ngoái ông Thọ đã phá 5 sào, năm nay phá nốt 4 sào để chuyển sang trồng ổi, quất trái vụ. Tính ra, mỗi sào quất, ổi trái vụ cũng được 10 triệu đồng/năm. "Ổi, quất cho thu hoạch quanh năm, chủ yếu sử dụng lao động tại nhà lại phù hợp với đồng đất ở đây"- ông Thọ nói.
Tuy nhiên, điều ông Thọ lo lắng là trong huyện hiện có phong trào "nhà nhà trồng ổi, quất" nên chỉ trong vài năm nữa, điệp khúc "được mùa rớt giá, rớt giá được mùa" lặp lại trên cây ổi, cây quất mất...
Ông Nguyễn Quang Đồng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hải Dương cho biết, diện tích trồng vải của Thanh Hà khoảng 5.000ha. Đến nay, diện tích vải bị phá khoảng 1.000ha chủ yếu là vải trồng xen trên đất lúa (có đắp ụ). "Trước tình trạng phá vải chuyển sang trồng ổi, quất… ở Thanh Hà thời gian qua, Sở đã cử đoàn cán bộ xuống nắm tình hình và làm việc với huyện để sớm có đề án trình UBND tỉnh nhằm chuyển đổi cây trồng hợp lý, tránh xảy ra tình trạng ồ ạt làm theo phong trào"- ông Đồng cho biết thêm.
Hữu Thông