Dân Việt

44 huyện bị dừng tuyển LĐ sang Hàn Quốc: Cty chui rậm rịch làm ăn

Minh Nguyệt 01/08/2016 06:21 GMT+7
Bộ LĐTBXH vừa ban hành quyết định tạm dừng tuyển lao động ở 44 huyện để sang Hàn Quốc làm việc, là các huyện có hơn 60 người đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong khi đó, không ít công ty đang mồi chài người lao động đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) Hàn Quốc, dù không được phép tuyển dụng.

Mừng hụt

Niềm vui vì Việt Nam và Hàn Quốc ký lại thỏa thuận phái cử tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS chưa lâu, nay hàng nghìn lao động lại  lo lắng, buồn tủi trước quyết định của Bộ LĐTBXH tạm dừng XKLĐ sang Hàn Quốc.

Đấy cũng là cảm giác lớn nhất lúc này của lao động Nguyễn Văn Thành (Quan Hóa, Thanh Hóa). Anh Thành tâm sự: “Vừa nghe tin Hàn Quốc mở cửa lại tiếp nhận lao động, tôi mới đi tìm hiểu thủ tục, dự định sang tháng 8 sẽ đi học tiếng. Ấy vậy mà hôm nay nghe mọi người nói là sẽ không được đi nữa vì  huyện tôi có quá đông người lao động cư trú bất hợp pháp bên đó”.

img

Lao động Việt Nam làm nông nghiệp ở Hàn Quốc. ảnh: Minh Nguyệt 

Sau khi thống nhất với phía Hàn Quốc, ngày 29.7 Bộ LĐTBXH đã ban hành Công văn số 2843 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc thông báo về việc tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS năm 2016.

Theo đó, 90 quận/huyện có tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 35% thuộc 10 tỉnh, thành phố có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2016. Trước mắt, tạm dừng ngay lập tức với 44 quận/huyện có số người cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Việc này không áp dụng  trong tuyển chọn lao động ngành ngư nghiệp trong năm 2016 đối với các huyện ven biển thuộc các tỉnh bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường vừa qua. Cụ thể với Hà Tĩnh là huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh; tỉnh Quảng Bình là huyện Bố Trạch và Quảng Trạch”.

Ông Quỳnh cũng thông tin thêm, việc tăng giảm tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp của các tỉnh này ở Hàn Quốc cuối năm 2016 sẽ được lấy làm căn cứ xem xét việc  tiếp tục tạm dừng, hay gỡ bỏ lệnh cấm trong năm 2017.

Cẩn thận với lừa đảo

Ngay từ tháng 5, khi Việt Nam và Hàn Quốc ký lại thỏa thuận về việc phái cử lao động, đã có khá nhiều nguồn tin về việc các công ty đứng ra chiêu sinh với lời hứa đào tạo và đưa người lao động sang Hàn Quốc làm việc.

Anh Nguyễn Nhật Long (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết, mới 3 ngày trước đây, anh được người quen giới thiệu qua một công ty để học tiếng Hàn. “Ngày 25.7 vừa qua mình qua công ty trên đường Mai Dịch hỏi về việc đi XKLĐ ở Hàn Quốc thì được công ty này tư vấn nói nộp 5 triệu đồng để học tiếng, học xong sẽ thi tiếng Hàn và đi thôi” – anh Long nói.

Cũng theo anh Long, công ty này chỉ có hai người, văn phòng là một căn phòng cũ nát. Họ hứa chắc chắc là sau học anh sẽ được “bảo kê” để thi tiếng Hàn cho tới khi nào đi XKLĐ được thì thôi.

Ông Đặng Sĩ Dũng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết: Năm nay Hàn Quốc dự kiến tiếp nhận 2.100 lao động trong ngành sản xuất chế tạo, đấy là chưa kể các lĩnh vực khác như nông nghiệp, thuyền viên nghề cá… Về việc có một số tổ chức, cá nhân quảng cáo là công ty, tổ chức có thể đưa lao động đi XKLĐ ở Hàn Quốc ông Dũng khẳng định: “Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) là đơn vị duy nhất được ủy quyền của Bộ LĐTBXH thực hiện chương trình này. Quá trình thi tiếng Hàn do cơ quan HLD của Hàn Quốc làm và không một ai có thể can thiệp vào quá trình đó”.

Ông Dũng cho biết thêm, từ ngày 16-19.8 tới đây, lao động có thể đăng ký dự thi tiếng Hàn, thời gian tổ chức thi sẽ diễn ra trong hai ngày 8 và 9.10. /.

Danh sách 44 huyện bị cấm XKLĐ sang Hàn Quốc:
Nghi Lộc, TP. Vinh, Hưng Nguyên, Thanh Chương, thị xã Cửa Lò, Nam Đàn, Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Tân Kỳ (Nghệ An ); Đông Sơn, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Quảng Xương (Thanh Hóa); Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Can Lộc (Hà Tĩnh); Thường Tín, Chương Mỹ, Đan Phượng, Thạch Thất (Hà Nội ); Cẩm Giàng, Gia Lộc, thị xã Chí Linh, TP.Hải Dương, Bình Giang, Thanh Miện, Tứ Kỳ (Hải Dương); Vũ Thư, Kiến Xương, Tiền Hải, Đông Hưng, Thái Thụy (Hải Dương); TP.Nam Định, Hải Hậu (Nam Định); Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ (Bắc Ninh);  Bố Trạch, Quảng Trạch (Quảng Bình); Khoái Châu (Hưng Yên).