GS-VS Phạm Song khẳng định: Căn cứ vào thực tiễn dịch bệnh hiện nay như điều kiện lây lan rộng, số người mắc, tử vong lớn thì rõ ràng TCM đã thành dịch. Việc công bố đúng ra phải làm từ mấy tháng trước rồi.
Chăm sóc bệnh nhi bị chân tay miệng tại Bệnh viện Nhi T.Ư. |
Việt Nam đang là quốc gia có số người mắc và tử vong do TCM cao thứ hai trên thế giới (sau Trung Quốc). Theo GS, vì sao các tỉnh vẫn lảng tránh, không công bố dịch?
- Ngoài các yếu tố khách quan như chúng ta chưa tiên lượng đúng tình hình dịch bệnh thì ngành y cũng lúng túng khi nghe một số ý kiến lo ngại những tác động xấu của việc công bố dịch đối với sự phát triển kinh tế- xã hội. Lỗi đầu tiên thuộc về TP.HCM. Là thành phố dẫn đầu cả nước về số ca mắc, số tử vong, đáng ra TP.HCM phải công bố dịch đầu tiên. Thế nhưng vì TP.HCM chần chừ nên rất nhiều tỉnh, thành khác cũng "chờ" nhau mà không công bố dịch.
Mặt khác, cũng không thể phủ nhận sự tự tin thái quá của chúng ta theo kiểu "dịch bệnh đang được kiểm soát". Trong khi đó, nếu công bố dịch, chúng ta hoàn toàn có thể kêu gọi được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, WHO, các chuyên gia trong lĩnh vực truyền nhiễm... cả về vật chất lẫn chuyên môn. Tuy vậy, theo tôi cái nguyên nhân chính vẫn là chúng ta chưa thực sự đau nỗi đau của gia đình hơn 100 đứa trẻ vô tội đã chết do căn bệnh không đáng chết này. Và đó là cái lỗi của ngành y không bảo vệ được các cháu.
Với một số ý kiến cho rằng việc công bố dịch có hại hơn là có lợi đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, cá nhân ông nghĩ sao?
- Tôi phải khẳng định rằng ai nghĩ như vậy thì thật duy ý chí, sai lầm. Ngành du lịch chủ yếu đón tiếp những vị khách là người lớn, còn trẻ em chỉ chiếm một phần nhỏ. Dịch TCM cũng không phải kiểm soát gắt gao, xét nghiệm nhiều như các loại dịch bệnh khác. Nếu xét về mặt kinh tế, gia đình chịu thiệt vì mất tiền điều trị, còn cộng đồng không chịu thiệt hại gì.
Sẽ là sai lầm nếu chúng ta sợ mang tiếng “đất nước có dịch TCM” mà không công bố dịch. Sai lầm đó sẽ được nhân đôi khi chúng ta đã không công bố, mà công cuộc phòng, chống dịch vẫn không mấy hiệu quả. Như vậy là có tội với nhân dân.
“Không công bố dịch, nhưng vẫn thực hiện biện pháp chống dịch” là câu nói được lãnh đạo nhiều tỉnh nhắc đi nhắc lại thường xuyên khi báo chí đặt vấn đề công bố dịch. Ông có kiến nghị gì cho công tác chỉ đạo phòng, chống dịch TCM?
- Để phòng, chống dịch hiệu quả hơn, cần phải tăng cường biện pháp "nói" cho người dân hiểu. Cần phải mở các diễn đàn để tham khảo ý kiến của các nhà chuyên môn, để có kế hoạch ứng phó với tình hình dịch bệnh đang rất khó lường như hiện nay. Việc đầu tiên là cần phải công bố dịch để huy động các nguồn lực dập dịch và người dân, các tổ chức xã hội thấy được sự nguy hiểm mà chung tay chống dịch.
Dù đến thời điểm này việc công bố dịch tác dụng không nhiều nữa, thế nhưng muộn còn hơn không. Điều này không chỉ liên quan đến vấn đề sức khoẻ của cộng đồng, tính mạng của một thế hệ đất nước nữa, mà nó còn là vấn đề đạo lý, sự nhân văn trong cộng đồng giữa người với người nói chung và ngành y tế nói riêng.
Xin hỏi, nếu lúc này ông đang đương chức Bộ trưởng Y tế, liệu ông có dám công bố dịch TCM không?
- Sự thực là thời gian qua ngành y tế cũng có nhiều cái khó. Thế nhưng, dù khó gì đi nữa, muộn còn hơn không, các địa phương và Bộ cũng cần công bố dịch bệnh. Nếu tôi là Giám đốc Sở Y tế, tôi sẽ công bố dịch, còn là Bộ trưởng dĩ nhiên là phải "chạy" lên mà tham vấn với Chính phủ để có biện pháp ứng phó kịp thời ngăn chặn dịch bệnh.
Xin cảm ơn giáo sư!
Minh Nguyệt (thực hiện)