Dân Việt

Người Trung Quốc quá yêu “đồ nhà”?

21/11/2010 06:25 GMT+7
(Dân Việt) - SVĐ vắng tanh khi có đội bóng đá Trung Quốc thi đấu, nhà thi đấu wushu chật kín người dù không phải đêm chung kết.

Bóng đá Trung Quốc thi đấu, người ta điềm nhiên đi chợ, mua sắm, nhưng đường phố vắng tanh và cả thành phố cứ ào lên sau những cú "nhảy đập" hay "bỏ nhỏ" của các tay vợt cầu lông trên màn hình TV. Đó là cái cách hâm mộ của Trung Quốc…

"Quảng Đông thập hổ"

"Sza…" cả khu chung cư cao hơn 20 tầng sau khách sạn tôi ở trên đường Yanjtang East Road ầm lên như thế. Lật đật mở TV, xem có cái chuyện gì mà dân Quảng Châu rối lên thế.

Trên TV đang tường thuật trận thi đấu wushu, có gì đâu mà hò hét gớm thế? Trong các môn võ, tôi chưa thấy môn võ nào ẻo lả như cái môn này, nhất là nội dung biểu diễn, giá bảo là múa thì đúng hơn.

img
Thiếu nữ TQ làm hoạt náo viên cổ vũ cho các môn thể thao ASIAD.

Tôi cứ thắc mắc rằng: Ngôi sao điện ảnh võ thuật Lý Liên Kiệt mà trẻ con Việt Nam thích mê đấm đá thần sầu quỷ khốc trên phim chẳng qua cũng do kỹ xảo điện ảnh mà ra thôi. Bởi anh chàng này là vô địch wushu Trung Quốc 10 năm, mà đấm đá theo cái kiểu văn công, văn nghệ thế kia gặp mấy ông Tây đen, các ông ấy lại chả đấm cho "ựa" vằn thắn, sủi cảo ra.

Sau này tôi mới biết, cái món võ wushu, dân Quảng Châu (thủ phủ của Quảng Đông) khoái nhất! Khoái cũng phải, đây là mảnh đất của "Quảng Đông thập hổ", 10 vị anh hùng huyền thoại cứu nước, cứu dân võ nghệ vào hàng tuyệt đỉnh mà người đứng đầu không mấy người không biết: Hoàng Phi Hồng.

Lịch sử là thế nhưng tôi vẫn suy luận một cách láo toét rằng: Chỗ này sát Hongkong, cái chỗ sản xuất phim võ thuật, dân xem nhiều quá đâm nghiền…

Dù thế nào thì Trung tâm Nansha, nơi tổ chức thi đấu môn wushu vẫn đông chặt người. Hôm đó, VN có tới 3 VĐV vào chung kết nhưng thế nào lại vớ phải 3 đối thủ hậu duệ của "Quảng Đông thập hổ". Thấy CĐV đội bạn uy hiếp quá, cánh PV Việt Nam khá đông đảo (vì đây là cơ hội có HCV gần như cuối cùng của đoàn TTVN) cũng lập đội cổ vũ nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp, ai lại ra đòn của wushu, có ông lại hét "ki ai" như karatedo. Thua về mọi mặt!

Wushu nói thật ra chẳng đóng góp gì cho Trung Quốc ở sân chơi xứng đáng với họ (Olympic) vì môn đó chưa đưa vào nội dung thi đấu. Nhưng dân Trung Quốc không quan tâm, họ thích bởi wushu là sản phẩm của họ.

Đã có mấy người Việt Nam thích môn vật truyền thống nhỉ?

Thích cái giỏi hay giỏi cái thích?

Mấy hôm có các nội dung thi đấu chung kết cầu lông, bóng bàn mà các VĐV Trung Quốc (tất nhiên) thi đấu, cánh phóng viên Việt Nam sợ tái người. Giờ thi đấu toàn vào đầu buổi tối (giờ vàng của báo chí), đang hí hoáy viết bài bất chợt lại giật nảy mình vì cả thành phố hô lên sau những pha bóng, pha cầu mỹ mãn.

Mà có nhanh chóng gì cho cam, một "séc" bóng bàn hay ít ra cũng phải giật mình đến vài chục lần. Lúc ấy chỉ mong Liên đoàn Cầu lông và Bóng bàn Quốc tế cải tạo luật, mỗi "séc" cầu lông, bóng bàn độ 3 quả thì hay.

Lại "Sza…" rung hết cả đường phố như vó ngựa Mông Cổ, hóa ra trên màn hình cô gái VĐV của họ nhảy lên rồi chém một cái như muốn "giết người ta", sau cú ra đòn ấy, cô gái hô như thế, cả dân Quảng Châu, chả ai bảo ai cũng hô lên thế.

Trong khi Olympic Việt Nam bị loại ở vòng 1/8, nhiều người Việt Nam coi như ASIAD đã kết thúc, thì chuyện Olympic Trung Quốc dừng bước trước Hàn Quốc không làm mấy người quan tâm, một phóng viên Trung Quốc bảo tôi: "Bóng đá Trung Quốc không mạnh nên người dân không thích".

Buộc phải lẩn thẩn khi cân đối hai chuyện: Người Trung Quốc chỉ thích những môn thể thao mà họ thật giỏi, thật vượt trội hay khi thích môn gì thì họ sẽ làm mọi cách để thật giỏi môn đó… Mối quan hệ biện chứng này biến Trung Quốc thành người chủ của mỏ huy chương thể thao quốc tế ở những môn thể thao mà hơn 1 tỷ người dân của họ yêu thích.

Biết là như thế nhưng sao khó học hỏi quá!