Chuyển hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng là do cán bộ tự làm
Phạm Công Danh và thuộc cấp liên quan trong vụ đại án kinh tế thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tại VNCB hầu tòa.
Sáng 1.8, phiên tòa xét xử vụ án thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục diễn ra với phần thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB). Mặc dù được xác định là người “đứng đầu” trong vụ đại án kinh tế này nhưng Danh bị xét hỏi sau cùng. Trước HĐXX, bị cáo Danh thường dùng “điệp khúc không nhớ” để “né” các câu hỏi của tòa.
Tại phiên tòa, HĐXX đã xét hỏi Phạm Công Danh liên quan đến quan hệ vay mượn của bị cáo này với nhóm bà Trần Ngọc Bích. Theo Danh khai, giữa bị cáo và nhóm Phạm Ngọc Bích đã có quan hệ từ rất lâu, thông qua một người cộng tác của Danh đó là Phạm Thị Trang (Trang “phố núi”, hiện đã xuất cảnh).
Khi đó, ngân hàng cần huy động vốn để duy trì thanh khoản của ngân hàng nên đã vay tiền của nhóm Trần Ngọc Bích. Và việc vay tiền này đã được thực hiện từ lâu với số tiền vay lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng chứ không phải chỉ gần 6.000 tỷ thể hiện trong 124 sổ tiết kiệm.
Bị cáo Danh cũng nói ngoài việc trả lãi suất theo quy định của ngân hàng thì ngân hàng phải trả tiền cho nhóm bà Bích với lãi suất lên đến 4%. Tại ngân hàng VNCB những khoản tiền chi trả lãi suất vượt trần do từng chi nhánh lo và được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Số tiền này theo bị cáo Danh là chi ra quá lớn và không có giấy tờ chứng minh từng khoản cụ thể chi tiết.
Về việc chuyển sang tài khoản của mình và một số tài khoản khác số tiền 5.490 tỷ đồng của nhóm bà Trần Ngọc Bích, bị cáo Danh cho biết mình không chỉ đạo trực tiếp anh em làm việc đó, mà do nhóm cán bộ của ngân hàng tự làm.
Liên quan đến mối quan hệ giữa Phạm Thị Trang và Phạm Công Danh, Danh khai rằng, trước khi quen nhóm bà Bích thì Danh đã làm ăn với Trang vì Trang có khả năng huy động vốn và tìm kiếm các nguồn vốn nhàn rỗi cho ngân hàng. Khi đó Trang “phố núi” không có chức vụ gì ở Thiên Thanh, Trang cũng không được hưởng lương mà sau mỗi vụ việc thành công thì được Danh trả theo phần trăm vụ việc. Hiện giữa Trang và Danh không có quan hệ nợ nần gì.
Theo cáo trạng, trong tổng số hơn 9.000 tỉ đồng thiệt hại đã gây ra cho Ngân hàng VNCB có khoản tiền là 5.490 tỉ đồng của khách hàng gửi vào ngân hàng nhưng Phạm Công Danh và các đồng phạm lại tự rút ra mà không có chữ ký của người gửi.
Bị cáo Hoàng Đình Quyết (nguyên Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn, Giám đốc VNCB chi nhánh Lam Giang) khai trước tòa là chuyển tiền theo yêu cầu của bị cáo Danh và có sự đồng thuận của bà Bích thì bị cáo mới dám chuyển.
Trước khai báo này của bị cáo Quyết, Phạm Công Danh cho rằng: “Lời khai của bị cáo Quyết là không đúng bởi bị cáo không có chỉ đạo bất cứ ai làm những việc này, tuy nhiên bị cáo thông cảm được việc của bị cáo Quyết cũng như đồng nghiệp. Thời gian này tôi cam đoan cô Trang có trực tiếp tham gia vào sự việc này. Tôi nhận trách nhiệm của mình về việc chủ trương cho vay từ sổ tiết kiệm”.
Phạm Công Danh đang “diễn kịch” tại tòa?
Bị cáo Phạm Công Danh nhiều lần dùng "điệp khúc" "không nhớ, không biết, trí nhớ kém..." tại tòa.
Mặc dù là người “đứng đầu” trong đại án kinh tế gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại VNCB nhưng khi được gọi lên xét hỏi, bị cáo Phạm Công Danh luôn dùng điệp khúc “tôi không nhớ” hoặc “trí nhớ của tôi có vấn đề” để “né” các câu hỏi của HĐXX.
Trong phiên xét xử ngày 29.7, khi Chủ tọa phiên tòa đặt câu hỏi: “Bị cáo cho biết, trong phần lý lịch của hồ sơ trình lên Ngân hàng Nhà nước, bị cáo khai học Đại học Kinh tế TP.HCM từ năm 1987-1991. Bị cáo cho biết bị cáo học ngành gì, đã học những môn gì?”. Trả lời câu hỏi này, bị cáo Phạm Công Danh đáp vỏn vẹn: “Thưa HĐXX tôi không nhớ”.
Lúc này HĐXX khẳng định: “Bị cáo khai nhận quanh co, khai không thật. Nếu bị cáo không khai, tôi sẽ đọc cho bị cáo thấy. Lý lịch gửi lên Ngân hàng Nhà nước là sai. Đại học Kinh tế TP.HCM trả lời rằng không có bất cứ sinh viên Phạm Công Danh nào học tại đây. Bằng bị cáo nộp cho Ngân hàng Nhà nước để xem xét vào HĐQT của Ngân hàng là bằng giả. Bằng này có sao y bản chính của công an phường 15 quận 10. HĐXX đề nghị VKS xem xét, xử lý hành vi sử dụng bằng giả này nếu đủ căn cứ pháp luật”.
Hoặc như trả lời câu hỏi: “Bị cáo cho biết bị cáo bắt đầu có ý định đại diện nhóm cổ đông mới Thiên Thanh chuyển nhượng cổ phần của nhóm cổ đông cũ bà Hứa Thị Phấn để tiếp quản ngân hàng từ thời gian nào?”. Phạm Công Danh đáp: “Thưa HĐXX tôi không nhớ rõ lắm” và giải thích trước đó làm xây dựng, gặp gỡ tiếp xúc Phan Thành Mai và nhiều chuyên gia cùng ngành nên nảy sinh ý tưởng lập ngân hàng chuyên ngành. Sau đó, đến với Ngân hàng Đại Tín (sau đổi tên là VNCB) qua Hà Văn Thắm.
Một câu hỏi khác được Chủ tọa phiên tòa đặt ra: “Tôi đang nhắc lại nội dung cáo trạng để hỏi bị cáo xem, do bị cáo xác định tiếp quản ngân hàng Đại Tín khi chủ sở hữu âm 2.800 tỷ, lỗ lũy kế hơn 6.300 tỷ, lại phải thực hiện nghĩa vụ tài chính chuyển nhượng với nhóm cổ đông cũ. Do áp lực thanh khoản như vậy, để rồi đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt sai phạm của bị cáo và các đồng phạm?”
Đáp lại câu hỏi này, Phạm Công Danh nói: “Tôi đề nghị, chủ tọa hỏi tôi việc gì tôi trả lời việc đó. Hỏi chung như thế tôi trả lời là không đúng”.
Ở một nội dung khác, HĐXX hỏi về các cổ đông đầu tư dự án ở Tô Hiến Thành, Phạm Công Danh lại “diễn” lại điệp khúc “không nhớ” bằng câu trả lời: “Thưa, tôi không được khỏe, không nhớ”.
Mặc dù rất nhiều lần trả lời các câu hỏi của HĐXX bằng câu nói: ‘Tôi không nhớ” nhưng có điều khiến dư luận cảm thấy kì lạ rất nhiều con số và thời gian thì bị cáo Danh lại nhớ chính xác và trả lời vanh vách. Như việc chi cho ông Hà Văn Thắm 500 tỷ đồng chăm sóc khách hàng, bị cáo nhớ rành mạch ông Thắm đòi 1000 tỷ, rồi hạ xuống 800 tỷ, cuối cùng là 500 tỷ, khoản chi này có giấy tờ. Việc chuyển nhượng 84,92% cổ phiếu từ nhóm bà Phấn, Phạm Công Danh cũng nhớ rành rọt đã chi trả cho nhóm này 3.600 tỷ đồng.
Cũng cần nói thêm rằng, trong suốt những ngày thẩm vấn vừa qua, trước thái độ trả lời hời hợt, quanh co của Phạm Công Danh, không ít lần Chủ tọa phiên tòa nhắc nhở về bệnh án của bị cáo: “Tôi nhắc cho bị cáo nhớ, tôi đã xem rất kỹ bệnh án của bị cáo. Bị cáo đang có bệnh nhưng hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến trí nhớ của bị cáo”.