Dân Việt

Đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ: Bắt 11 lính truy lùng tổng thống

Trà My - Reuters 01/08/2016 17:00 GMT+7
Cho đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt gần hết những kẻ âm mưu bắt cóc Tổng thổng Erdogan trong cuộc đảo chính bất thành.

img

Người dân ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xuống phố đêm đảo chính

Lực lượng đặc nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ vừa bắt giữ 11 lính chạy trốn, những người tham gia âm mưu bắt giữ Tổng thống Tayyip Erdogan trong cuộc đảo chính bất thành vào tháng trước, hãng thông tấn của Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin ngày 1.8.

11 binh sĩ trên thuộc nhóm tấn công khách sạn nơi ông Erdogan nghỉ dưỡng cùng với gia đình vào đêm ngày 15.7 ở Marmaris. Tổng thống đã được báo về mối nguy hiểm và rời khỏi khách sạn lúc quân đảo chính ập đến.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ vừa sa thải gần 1.400 thành viên trong lực lượng vũ trang và tổ chức họp mặt một hội đồng quân sự cấp cao với các bộ trưởng chính phủ ngày 31.7 để thắt chặt kiểm soát quân đội sau cuộc đảo chính.

img

Một trong những kẻ âm mưu bắt cóc Tổng thống bị bắt giữ

Hãng thông tấn Anadolu cho biết những người lính chạy trốn đã bị bắt ở quận Ula của tỉnh Mugla. Lực lượng đặc nhiệm, với máy bay trực thăng và máy bay do thám hỗ trợ, được cử đến khu vực này sau khi một người dân địa phương báo cáo.

Tiếng súng nổ ra khi lực lượng đặc nhiệm đụng độ với những kẻ âm mưu bắt cóc tổng thống, nhưng không có báo cáo về thương vong.

Tổng cộng có 37 lính tham gia vào hoạt động truy bắt tổng thống Erdogan tại Marmaris và 25 người trong số họ đã bị bắt trước đó, theo Anadolu. Như vậy, cho đến nay, chỉ còn một người chưa bị bắt.

img

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ gọi Facetime trên truyền hình, kêu gọi dân xuống phố ủng hộ chính quyền vào đêm đảo chính

Hơn 60.000 người trong quân đội, tòa án, các dịch vụ dân sự và trường học đã bị giam giữ, đình chỉ, hoặc điều tra sau cuộc đảo chính bất thành.

Quy mô lớn của cuộc đàn áp của tổng thống Erdogan đã làm gia tăng căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây.

Học giả Hồi giáo Fethullah Gulen bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là chủ mưu của cuộc nổi dậy. Gulen, người đang sống lưu vong tại Mỹ, đã phủ nhận các cáo buộc và lên án cuộc đảo chính.