Dân Việt

Tổng quan các đội dự AFF Cup 2016

Đông Hưng 02/08/2016 16:05 GMT+7
Còn hơn 2 tháng nữa, VCK AFF Cup 2016 mới diễn ra, nhưng ngay từ thời điểm này, LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) đã cho tiến hành lễ bốc thăm. Kết quả sẽ có sau 19h tối nay. Hãy cùng điểm qua thực lực của các đội dự giải đấu số 1 Đông Nam Á 2016.

1. Thái Lan

Thái Lan tất nhiên vẫn là ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch, bất chấp thời điểm AFF Cup 2016 diễn ra trùng với thời gian khởi tranh vòng loại World Cup 2018 và HLV Kiatisak nói rằng ông sẽ dồn toàn lực cho “giấc mơ” nước Nga, chứ không quan tâm nhiều tới giải vô địch Đông Nam Á, nơi người Thái đã no nê vinh quang. Thực tế, ngay cả khi Thái Lan dùng đội hình 2 dự giải, thì họ vẫn ở một đẳng cấp khác biệt so với phần còn lại của khu vực.

img

Thái Lan vẫn là ứng viên sáng giá nhất cho ngôi vô địch AFF Cup 2016. Ảnh: IT.

2. Philippines

Philippines là 1 trong 2 nước chủ nhà của vòng bảng AFF Cup 2016. Và để hiện thực hóa tham vọng lần đầu tiên lên ngôi tại giải đấu, LĐBĐ nước này đã có những sự chuẩn bị chu đáo trong thời gian qua. Tại vòng loại World Cup 2018, Philippines đã hòa 0-0 với CHDCND Triều Tiên trên sân khách và rồi thắng 3-2 trên sân nhà. Thời gian tới, họ sẽ có 2 trận giao hữu với Kyrgyzstan. Ngoài ra, Philippines còn có dàn cầu thủ nhập tịch rất chất lượng, trong đó có Javier Patino – ngôi sao hiện thi đấu tại giải VĐQG Trung Quốc cho Henan Jianye.

3. Myanmar

Giống như Philippines, Myanmar cũng là chủ nhà của vòng bảng AFF Cup 2016. Đội bóng này có phong độ không tốt trong thời gian gần đây, nhưng không nên vì thế mà đánh giá thấp cơ hội của họ. Myanmar có HLV Gerd Zeise rất hiểu về bóng đá Đông Nam Á và dàn cầu thủ trẻ tài năng vừa dự VCK U20 Thế giới hồi năm ngoái.

4. Việt Nam

Dưới bàn tay của HLV Hữu Thắng, ĐT Việt Nam đã thể hiện một bộ mặt rất tươi mới, khiến nhiều đối thủ e ngại. Tuy vậy, những thành tích tốt của họ vừa qua chủ yếu đến từ các trận giao hữu, khi vào thực chiến mới biết mặt anh tài. Ngoài ra, một vấn đề đáng lo ngại với ĐT Việt Nam là những ngôi sao trẻ được kỳ vọng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường không có nhiều cọ xát khi ra nước ngoài thi đấu.

5. Malaysia

Trong 7 trận giao hữu gần đây, Malaysia chỉ thua 1, còn lại thắng 3 và hòa 3. Thế nhưng các đối thủ của họ đều thuộc dạng “đồng cân, đồng lạng” hoặc yếu hơn. Còn trước đó, khi gặp những đối thủ sừng sỏ, đội bóng này thua tan nát, như 0-10 trước UAE, 0-6 trước Palestine… Thực tế, không nhiều CĐV bóng đá Malaysia tin thầy trò Ong Kim Swee có thể làm nên chuyện ở AFF Cup 2016.

6. Singapore

Bóng đá Singapore đang bước vào giai đoạn khủng hoảng niềm tin và phong độ. Với việc áp dụng chính sách không dùng ngoại binh nhập tịch kể từ 2014, đội tuyển đến từ đảo quốc Sư tử đá thi đấu đầy chật vật. Cách đây ít tháng, họ thua Việt Nam 0-3 và mới đây thúc thủ 1-2 trước Campuchia. HLV Varadaraju Sundramoorthy hiện đang phải chịu sức ép cực lớn.

7. Indonesia

Tháng 9 tới, án phạt cấm thi đấu quốc tế mà FIFA áp dụng với Indonesia sẽ hết hạn vào họ có thể dự AFF Cup 2016 vào tháng 10. Trong thời gian qua, có rất ít thông tin về ĐTQG Indonesia và vì thế, sức mạnh của đội bóng này vẫn còn là một ẩn số. Chỉ biết rằng, HLV Alfred Riedl vốn rất am hiểu bóng đá Đông Nam Á và ông sẽ biết cách giúp Indonesia tạo bất ngờ.

8. Đội thắng ở vòng loại

Campuchia, Lào, Đông Timor và Brunei sẽ đá vòng loại để tranh tấm vé còn lại dự AFF Cup 2018. Campuchia đã có nhiều tiến bộ trong thời gian gần đây và lại là chủ nhà của vòng loại, vậy nên nhiều người tin rằng, họ sẽ giành vé đi tiếp. Tuy vậy, để gây bất ngờ tại AFF Cup 2018 lại là chuyện khác khi bóng đá Campuchia vẫn còn khoảng cách so với các đội khác trong khu vực.