Chẳng còn lo việc bị bệnh
Mặc dù 2 huyện Củ Chi, Hóc Môn được công nhận là huyện nông thôn mới, tuy nhiên những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn vẫn phải dùng nước giếng trong sinh hoạt hàng ngày. Do đó, thời gian qua huyện Củ Chi đã thực hiện nhiều biện pháp cấp tập đưa nước sạch về nông thôn, với mục tiêu đến cuối năm 2016 có 100% số người dân Củ Chi được tiếp cận, sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
Theo đó, từ tháng 7.2015 đến cuối tháng 5.2016, trên địa bàn huyện này đã có 483km tuyến ống nước cấp 3 và 59km tuyến ống cấp 1, cấp 2 được lắp đặt và súc xả xong, đưa nước sạch về cho người dân ở 10 xã: Tân Thạnh Tây, Tân Thạnh Đông, Hòa Phú, Phú Hòa Đông, Trung An, Tân Phú Trung, Phước Vĩnh An, Tân Thông Hội, Tân An Hội, Phước Hiệp và thị trấn Củ Chi.
Người dân xóm Gò (xã Phong Phú, Bình Chánh) vui mừng khi nước sạch về tận nhà. ảnh: Trần Đáng
Cùng lúc đó, hơn 16.200 đồng hồ được đấu nối đến các hộ dân; 15 trạm cấp nước sạch cũng đang được nâng cấp, xây mới; hơn 470 bồn nước tập trung đã được lắp đặt xong và có nước sạch cho người dân tại 10 xã còn lại sử dụng. Dự kiến vào giữa tháng 7.2016, Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn sẽ tiến hành giai đoạn 2 của quá trình đặt ống nước.
Theo thống kê, hiện TP.HCM còn khoảng 350.000 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch, tập trung tại các huyện Bình Chánh (15 xã), Hóc Môn (11 xã) và Củ Chi (20 xã). |
Bà Tô Mỹ Lệ (xã Phước Vĩnh An) chia sẻ, từ ngày được sử dụng nguồn nước sạch, vợ chồng bà và mấy đứa cháu chẳng còn lo việc bị bệnh vì phải dùng nước giếng ô nhiễm. “Tới đây tôi sẽ ký hợp đồng với Công ty cổ phần Hạ tầng nước Sài Gòn cung cấp nước sạch cho cả dãy phòng trọ mà gia đình đang cho thuê, để người thuê trọ cũng được sử dụng nước sạch” - bà nói.
Trong khi đó, tại huyện Hóc Môn, tính đến ngày 31.5, mới chỉ có 46.472/86.432 hộ dân được sử dụng nước sạnh (đạt 53,77%).
Ông Lý Hiếu - Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết chính quyền huyện đã đề nghị các phòng ban huyện, UBND xã và thị trấn phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cấp nước trên địa bàn, trong đó ưu tiên khu vực dân cư đang sử dụng nước ngầm có nguy cơ bị ô nhiễm như xã Đông Thạnh, Nhị Bình.
Trong thời gian qua, xã Nhị Bình đã thành lập 8 đoàn đến trực tiếp các hộ để tuyên truyền và vận động nhân dân sử dụng nước sạch. Xã cũng đã phát hơn 1.700 bộ hồ sơ đăng ký đồng hồ nước và đã chuyển Công ty Cấp nước Trung An hơn 1.000 bộ hồ sơ.
Riêng tại xã Đông Thạnh, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết, đến tháng 8.2016, gần 1.400 hộ dân của xã sẽ được cung cấp đủ nước sạch, ngay sau đó sẽ gắn đồng hồ nước cho từng hộ.
Tuyên truyền bỏ dùng nước giếng
Có một thực tế, mặc dù hai huyện Củ Chi, Hóc Môn được công nhận là huyện nông thôn mới, cuộc sống của người dân ngày một đổi thay theo hướng tích cực; cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, nhưng những năm qua trong sinh hoạt nhiều hộ dân chỉ biết đến nước giếng. Chính vì thói quen này mà nhiều bồn nước tập trung được lắp đặt để cung cấp nước sạch cho người dân nông thôn đã trở nên lãng phí; nhiều hệ thống nước sạch được dẫn đến tận nhà nhưng người dân lại sử dụng nước để tưới rau, tắm heo, tắm bò…
Một cán bộ huyện Củ Chi cho biết, huyện đã thực hiện nhiều biện pháp cung cấp nước sạch nhằm đáp ứng cho nhu cầu thiết thực của người dân, thế nhưng một số hộ chỉ quen xài nước giếng mà… chê nước sạch.
Theo Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM - ông Thái Quốc Dân, trước mắt còn nhiều việc phải làm để có thể đáp ứng nhu cầu về nước sạch cho người dân ngoại thành. Trong đó giải pháp đầu tiên là tuyên truyền, vận động người dân bỏ thói quen dùng nước giếng chuyển sang dùng nước sạch trong sinh hoạt. Phải xác định công tác tuyên truyền hết sức quan trọng, giúp người dân hiểu rõ vai trò của nước sạch đối với cuộc sống của chính họ.
Ông Lý Hiếu cũng cho rằng, huyện đã chỉ đạo các xã thực hiện tuyên truyền thường xuyên bằng nhiều hình thức, như: Trên hệ thống truyền thanh của xã, thông qua các cuộc họp dân và các đoàn thể, từ đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân để chuyển dần từ sử dụng nước giếng sang nước sạch trong sinh hoạt. /.