Dân Việt

Bà lão cầm cố biệt thự, biến trại heo thành vườn dưa lưới tiền tỷ

Trần Đáng 04/08/2016 19:00 GMT+7
Ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, bà vẫn quyết định chi hàng tỷ đồng để biến trại heo thành trang trại dưa lưới VietGAP “khủng” tiền tỷ. Bà là Trần Băng Tâm - chủ trang trại dưa lưới VietGAP ở quận 9, TP.HCM.

Mỗi lần tôi đến trang trại dưa lưới, đều thấy bà Tâm bận rộn với đôi ủng màu trắng ngà lấm lem bùn đất. Hỏi “sao lúc nào cũng thấy bà xỏ ủng?”. Bà cười ngất: “Nông dân mà, không xỏ ủng chẳng lẽ xỏ giày cao gót sao?”.

Bỏ nhà lầu, làm dưa lưới

Thật ra, dù bà Tâm có “cải trang” thành ND thì trông bà vẫn cứ lồ lộ phong cách dân thị thành với chiếc quần thụng kaki, áo phông cổ lọ, đôi ủng cổ cao, chiếc nón vải rộng vành và kính lão gọng to.

img

Nông dân học hỏi kinh nghiệm trồng dưa lưới tại trang trại dưa của bà Tâm. Ảnh: Trần Đáng

Bà kể, lúc đầu dự định của bà sau khi đóng cửa trại heo 1.000 con theo yêu cầu của chính quyền (năm 2013) là sẽ xây nhà lầu để… nuôi heo sạch. Tuy nhiên, dự định này cũng không thành nên bà chuyển sang mở trang trại dưa lưới. “Tôi đem miếng đất rộng gần 12.000m2 và căn biệt thự cầm ngân hàng lấy 2,5 tỷ đồng mở trại dưa lưới. Ông xã tôi thấy vậy bảo tôi bị “hâm”, chỉ cần bán khối tài sản này gửi ngân hàng lấy lãi hàng tháng, hai vợ chồng già sống cả đời không hết, cần chi quần quật với vườn dưa lưới suốt ngày” - vừa nói bà Tâm vừa cười khúc khích. 

"Nếu muốn hỗ trợ nông dân làm giàu với lĩnh vực trồng dưa lưới, Nhà nước nên xây dựng cơ sở hạ tầng sẵn với những nhà lưới được trang bị công nghệ cao. Ai nếu có nhu cầu sản xuất dưa lưới thì vào thuê lại. Tại đây, nông dân được chia thành nhóm, được đào tạo quy trình kỹ thuật trồng dưa­­ và có kỹ sư theo dõi dịch bệnh. Với lĩnh vực này, nông dân không thể tự bơi, rất dễ vỡ nợ”.

Bà Trần Băng Tâm

Giờ trên khu đất vườn rộng mênh mông ấy đã mọc lên 5 trại dưa lưới, mỗi trại hai nhà rộng hơn 1.000m2 với kinh phí 500 triệu đồng/trại. Trong đó, 3 trại dưa đã cho thu hoạch. Với cơ ngơi này, không cần làm thêm 4 trại nữa – như lời bà Tâm nói - thì trang trại dưa lưới của bà Tâm hiện nay đã thuộc loại “khủng” nhất nhì đất Sài thành. Tất cả những công nghệ để sản xuất dưa lưới trang bị trong trang trại hiện nay đều do Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM chuyển giao.

Bà Tâm tâm sự, không phải “hâm” đến nỗi đổ hàng tỷ đồng mở trang trại mà chẳng biết gì về kỹ thuật trồng dưa lưới. Đây là một lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà thiếu kiến thức người sản xuất xem như… trở thành con nợ. “Tôi vốn xuất thân cán bộ khoa vi sinh vật của Trường Đại học Tổng hợp TP. HCM (nay là Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM), nên việc ứng dụng kiến thức này vào trồng dưa lưới chẳng mấy khó khăn” - bà cho biết. Vả lại, là dân trí thức, ham học hỏi nên việc tiếp thu kiến thức kỹ thuật về trồng dưa lưới qua tài liệu trong – ngoài nước với bà Tâm khá dễ dàng.

Một trong những điều thích thú nhất tại trang trại dưa lưới của bà Tâm là nhìn đám ong mật cần mẫn đóng vai trò thợ thụ phấn cho dưa. Chúng cứ quần thảo từ nụ hoa này đến nụ hoa khác để thụ phấn. Công việc này trước đây tại trang trại có đến 3 người thực hiện nhưng không bằng… một tổ ong mật hiện nay. Bà Tâm bảo, đặc tính của dưa lưới là khi nở hoa mà không cho thụ phấn nhanh chóng hoa sẽ khép lại và xem như không còn cơ hội cho đậu trái. Chính vì thế phải dùng đến ong mới đạt tốc độ thụ phấn trong trang trại dưa lưới mênh mông này.

img

Bà Trần Băng Tâm cùng chồng thu hoạch dưa lưới. Ảnh: T.Đ

Hiện, trang trại dưa lưới của bà Tâm chỉ có 3 nhân công. Tất cả các khâu trộn phân, giá thể hay tưới… đều tự động hóa do bà soạn sẵn chương trình điều khiển.

Theo bà Tâm, năng suất dưa lưới của bà hiện đạt gần 4 tấn/nhà lưới. Toàn bộ sản lượng dưa thu hoạch đều được Trung tâm Sinh học công nghệ TP.HCM bao tiêu. “Một số thương lái đến đặt hàng nhưng làm gì tôi còn dưa để bán cho họ chứ” - bà Tâm cho biết.

Muốn giàu phải làm lớn

Mấy lần tiếp chuyện bà Tâm, có thể thấy ở bà lão nông này không chỉ thích mạo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp mới và còn có cách nghĩ làm giàu táo bạo.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp tính rằng, trồng dưa lưới mỗi năm doanh thu 3 tỷ đồng/ha, lợi nhuận đạt 25 – 30%. Tuy nhiên, theo bà Tâm, hiện lợi nhuận trồng dưa lưới đạt 50%, nhưng bà vẫn chưa thỏa mãn. “Trồng dưa lưới mà chỉ có 1- 2 trại thì chả ăn thua gì, muốn giàu thì phải nâng diện tích lên càng nhiều càng tốt và lợi nhuận phải đạt tối đa. Đã làm thì phải làm cho đến nơi, đến chốn” -  bà Tâm thổ lộ.

Chính vì ý nghĩ này, bà đã lấy chứng nhận VietGAP để gia tăng giá trị sản xuất và đang ấp ủ trong năm nay sẽ làm thêm 4 trại dưa lưới nữa. “Tôi đăng ký lấy chứng nhận VietGAP khá nhanh vì trang trại tôi thực chất lâu nay đã là trang trại sản xuất dưa lưới sạch” -  bà khoe. 

Theo bà Tâm, làm nông sản sạch là xu hướng mà nông dân phải tiếp cận trong thời gian tới. Tuy nhiên, với dưa lưới có khó khăn hơn vì ND phải đáp ứng nhu cầu tài chính và kỹ thuật trước khi áp dụng quy trình VietGAP hay GlobalGAP…

Nói về việc xây dựng thương hiệu cho dưa lưới của trang trại, bà Tâm cho biết đã thuê hẳn một kỹ sư để tư vấn kỹ thuật nhằm nâng chất lượng sản xuất dưa, cũng như đang nhờ Hội Nông dân quận 9 làm cầu nối với Trung tâm Tư vấn hỗ trợ nông dân TP.HCM xây dựng thương hiệu cho trang trại thông qua việc thiết kế trang web, logo… Bà hy vọng khi tất cả các khâu này đi vào ổn định, giá trị sản xuất trên dưa lưới sẽ cao hơn hiện nay.

Dưa lưới du nhập vào Việt Nam mới vài năm nay. Lúc đầu, để giảm chi phí đầu tư, nhiều nông dân trồng ngoài ruộng như dưa hấu nhưng dễ bị sâu bệnh, chất lượng và năng suất không ổn định nên hiệu quả không cao. Rút kinh nghiệm, nhiều người đầu tư hàng tỷ đồng mỗi ha với nhà màng theo công nghệ của Israel, như ở: Lâm Đồng, Tây Ninh, Bến Tre, Đồng Nai, TP.HCM…

Tuy nhiên, theo bà Tâm, trồng dưa lưới tưởng dễ mà khá phức tạp, bởi đòi hỏi kỹ thuật cao của người trồng khi cây dễ nhiễm bệnh. Vậy có thể triển khai đại trà trong nông dân vì đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao?  “Trồng dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật và vốn lớn. Nếu muốn giúp bà con nông dân làm giàu từ cái nghề này thì vai trò nhà nước rất quan trọng” - bà Tâm nói./.

img