Dân Việt

TP.HCM: “Treo” nhiều đề án quy hoạch quan trọng

Nguyễn Tường 04/08/2016 06:00 GMT+7
Nhiều quy hoạch quan trọng về đất đai, hạ tầng và kinh tế xã hội của TP.HCM nhiều năm chưa được xây dựng. Trong đó, có những chính sách vĩ mô đã được Chính phủ chấp thuận, đến nay vẫn bỏ ngỏ.

Đó là ý kiến của Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) gửi các cơ quan chuyên trách của thành phố. Theo HoREA, quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng Vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm thành phố Hồ Chí Minh và 7 tỉnh ĐBSCL có từ năm 2008 nhưng đến nay, kết quả thực hiện quy hoạch Vùng thành phố Hồ Chí Minh chưa được tổng kết, phân tích, đánh giá đã được triển khai thực hiện trong thực tế như thế nào. Cơ quan nào chủ trì chỉ đạo, điều hành trực tiếp cho các tỉnh/thành trong vùng. Ưu điểm, nhược điểm và những vấn đề tồn tại.  Có cần thiết mở rộng Vùng thành phố Hồ Chí Minh, chẳng hạn như bao gồm cả các tỉnh Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Thuận?

img

TP.HCM cần cấp bách khởi động các đề án quy hoạch lớn. Ảnh: TL

Quy hoạch Vùng thành phố Hồ Chí Minh có tác động rất lớn, có tính chất nền tảng, có tác động trực tiếp đến quy hoạch phát triển thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Hiệp hội nhận thấy rất cần thiết tổ chức đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch Vùng thành phố Hồ Chí Minh để làm rõ hơn cơ sở khoa học và thực tiễn để xác định quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, quyết định phê duyệt của Thủ tướng về Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã có từ năm 2013 nhưng cho đến nay cũng chưa được tổng hợp, phân tích, đánh giá những mặt ưu điểm, nhược điểm, những vấn đề còn tồn tại trong quá trình triển khai thực hiện trong thực tế. Đây là một cơ sở để xác định quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của thành phố Hồ Chí Minh.

Một chính sách quan trọng khác là quyết định của Thủ tướng năm 2010 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Cho đến nay, kết quả thực hiện Quy hoạch chung cũng chưa được tổng hợp, phân tích, đánh giá đã triển khai thực hiện trong thực tế như thế nào? Ưu điểm, nhược điểm và những vấn đề tồn tại. Quy hoạch chung cần phải được xem xét và điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội, tiến trình đô thị hóa của thành phố Hồ Chí Minh và Vùng thành phố Hồ Chí Minh. Sở Quy hoạch Kiến trúc thành phố vẫn đang thực hiện tổng kết và đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung.

HoREA kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên Môi trường, Viện Nghiên cứu Phát triển thành phố Hồ Chí Minh, các sở - ngành, quận – huyện, các viện nghiên cứu, phối hợp các bộ - ngành, các chuyên gia độc lập, rất cần thiết mời thêm các chuyên gia quốc tế để đề xuất xây dựng các phương án tổ chức không gian kinh tế - xã hội, phát triển và phân bố dân cư, hệ thống cơ sở hạ tầng cho thành phố Hồ Chí Minh.

Theo bà Đỗ Thị Loan - Tiến sĩ chuyên ngành quy hoạch đô thị, Phó chủ tịch HoREA,  Cần xây dựng Quy hoạch chiến lược hợp nhất cho TP.HCM trong đó đề cao nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng của biến đổi khí hậu - nước biển dâng, xem xét và dự báo lại các chỉ tiêu dân số, quy hoạch giãn dân và phát triển đô thị bền vững. “Với tầm quan trọng của các chính sách, đề nghị Chính phủ phân công một Phó Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo Vùng thành phố Hồ Chí Minh để điều phối các hoạt động định hướng chiến lược toàn vùng” - bà Loan nói.