Tại phiên tòa sáng 4.8, đại diện Ngân hàng Sacombank cho biết, ngân hàng này đang nhận thế chấp căn nhà trên đường Lữ Gia (quân 11, TP.HCM; do Phạm Công Danh và vợ đứng tên) để cho Công ty Phước Đại (do Danh lập ra) vay 16 tỷ đồng.
Đến nay cả gốc và lãi của khoản vay này đã lên hơn 30 tỷ đồng nhưng phía Danh chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính nào. Đầu năm 2016, Sacombank đã đưa ra khởi kiện tại TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM), nhưng phiên tòa đã được hoãn lại để chờ xét xử vụ án này xong.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đại diện Sacombank cho biết, việc hợp đồng vay giữa ngân hàng và ông Danh thực hiện trước khi vụ án này xảy ra và đều hợp lệ, nhưng khi Danh và các đồng phạm bị truy tố, tài sản này đã bị kê biên. Do đó, đại diện Sacombank đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên đối với tài sản trên để giao cho ngân hàng xử lý.
Phạm Công Danh tại tòa.
Còn đại diện Ngân hàng Agribank Chi nhánh Tân Phú cho biết đã cho 2 công ty của Tập đoàn Thiên Thanh vay ngân hàng hơn 170 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là 2 bất động sản ở Củ Chi (TP.HCM) và Bình Dương. Tuy nhiên phía Tập đoàn Thiên Thanh từ lâu không thực hiện nghĩa vụ tài chính và đến nay tổng nợ và lãi đã lên đến hơn 250 tỷ đồng. Đại diện Agribank đề nghị HĐXX cho giải tỏa kê biên và phát mãi 2 tài sản trên, đồng thời giao cho ngân hàng này xử lý theo hợp đồng vay. Nếu như có số tiền dư ra, ngân hàng sẽ chuyển về tài khoản thi hành án để Danh khắc phục hậu quả trong vụ án này.
Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Phương Nam cho biết cũng đang nhận thế chấp 3 động sản tại TP.HCM, TP.Vinh (Nghệ An) do Danh và Tập đoàn Thiên Thanh đứng tên. Đến nay các khoản vay cả gốc lẫn lãi mà ngân hàng này cho vay đã lên đến hơn 765 tỷ đồng.
Ngoài ra, Danh, Tập đoàn Thiên Thanh cũng đang vay ngân hàng này và lấy một số bất động sản khác tại TP.HCM, Đà Nẵng làm tài sản đảm bảo. Các tài sản đều đã bị kê biên, ngân hàng này đề nghị HĐXX cho giải tỏa quyết định kê biên các tài sản để bảo đảm thực hiện tín dụng tại ngân hàng.
Tương tự, một số “chủ nợ” của Danh và Tập đoàn Thiên Thanh cho biết, nhiều bất động sản được Danh mang đi thế chấp để thực hiện các khoản vay, thậm chí có những bất động sản đã được sang nhượng lại. Các tài sản đều có giá trị cao từ hàng chục tỷ đến hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên đa số đều đã bị kê biên.
Các “chủ nợ” mong muốn được giải tỏa kê biên tài sản để bảo vệ quyền và lợi ích của họ. Về điều này, HĐXX yêu cầu các tổ chức, đơn vị đang nhận thế chấp các tài sản của Danh và Tập đoàn Thiên Thanh phải cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan để được xem xét.
Theo cáo trạng, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã kê biên nhiều tài sản liên quan đến vụ án. Trong đó có đến 37 bất động sản tại TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam… Các tài sản đang được đảm bảo cho khoản vay hơn 7.000 tỷ đồng (nợ gốc). Theo đánh giá của các tổ chức nhận thế chấp tài sản thì tài sản chỉ đảm bảo trả nợ vay, các khoản đầu tư.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng. Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng. |