Cũng theo ông Sử, trên tinh thần chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế hạ tầng huyện khảo sát, nắm lại hiện trạng các cây cầu bị phá lan can.
Sau khi báo chí phản ánh, 7/8 cây cầu bị phá lan can đã được khắc phục tạm.
Theo báo cáo của UBND xã Giai Xuân, lãnh đạo xã không có chủ trương chỉ đạo ấp đập phá các lan can cầu, nhưng cũng thừa nhận chưa được chặt chẽ với vai trò quản lý Nhà nước.
“Về phần tường trình của lãnh đạo ấp thì có thừa nhận thiếu sót khi đập phá lan can cầu. Huyện đã giao cho Đảng ủy, UBND xã Giai Xuân tiến hành kiểm điểm xử lý về mặt trách nhiệm của các đồng chí ở ấp”, ông Sử cho biết.
Ông Sử cho biết thêm: “Qua sự việc trên, UBND huyện sẽ chỉ đạo xã Giai Xuân cũng như UBND các xã khác siết chặt hơn nữa trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông nông thôn. Đặc biệt là nghiêm cấm các trường hợp tương tự xảy ra”.
Các lan can cầu ở xã nông thôn mới Giai Xuân bị phá hỏng.
Theo đại diện Huyện uỷ Phong Điền, nơi đây đã nhận được báo cáo sơ bộ của UBND huyện. Đồng thời, đang chờ Sở GTVT cùng các đơn vị có liên quan do UBND TP.Cần Thơ chỉ định đến kiểm tra để có đánh giá chính xác về hiện trạng, từ đó có hướng xử lý tiếp theo.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết đã nắm sơ bộ vụ việc và chỉ đạo các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý theo quy định.
“Chủ trương của thành phố là không ưu ái, bênh vực cán bộ hay tổ chức nào làm sai, ai sai sẽ xử lý theo đúng quy định, đảm bảo tính công bằng. Bước đầu cho thấy nhu cầu mở rộng cầu để phục vụ đi lại cho nhân dân là có, nhưng do cách làm nên gây nên dư luận không hay. Đây là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho chính quyền địa phương để đảm đảm việc thực thi quản lý nhà nước thận trọng hơn”, ông Thống nói.