Mức giá trung bình của Savills đưa ra khá thấp so với mức giá bán sơ cấp hoặc thứ cấp ở các dự án nhà ở hạng B (trung cấp), hạng A (cao cấp) hiện nay và cao hơn so với mức giá căn hộ nhà thu nhập thấp (hạng C). Với mức giá trung bình này, để sở hữu căn hộ thương mại tối thiểu 45 m2 theo Luật Nhà ở, người dân Hà Nội phải bỏ ra 1,2 tỷ đồng/căn.
Hiện, trên thị trường, các căn hộ hạng A có mức giá dao động từ 32 - 35 triệu đồng/m2, cá biệt một số dự án của nhà đầu tư lớn - uy tín, có vị thế đẹp, giao nhà kèm toàn bộ nội thất có mức giá cao vượt trội từ 50 triệu đồng - gần 90 triệu đồng/m2.
Mức giá trung bình các căn hộ tại Hà Nội theo khảo sát là 26,3 triệu đồng
Các căn hộ, nhà hạng trung cấp, xa trung tâm các quận như Hà Đông, Bắc Từ Liêm - Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh có mức giá dao động từ 23 - 30 triệu đồng/m2. Chủ đầu tư cam kết có không gian cây xanh, công viên trẻ em, cùng các hạng mục hầm gửi xe, có hệ thống, mạng lưới giao thông phù hợp.
Bên cạnh đó, mức giá nhà thu nhập thấp, mức giá dao động từ 14 - 20 triệu đồng/m2, của các chủ đầu tư nhỏ lẻ, dự án ở xa trung tâm, hạ tầng không hoàn chỉnh (không có công viên và không gian vui chơi cư dân, trẻ nhỏ, giao thông không thuận tiện). Bên cạnh đó, chủ đầu tư chỉ bàn giao cơ bản hoặc bàn giao thô...
Theo Savills, hiện tại Hà Nội, người mua nhà vẫn tập trung phần lớn vào căn hộ tầm trung (hạng B) khi giao dịch ở đây đạt 40% thị trường, tổng nguồn cung cũng đạt trên 70%. Tiếp sau là nhà thu nhập thấp (hạng C) với tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 25% thị trường. Căn hộ hạng A (cao cấp) có mức giao dịch tăng đáng kể lên 28%.
Trước đó, tại hội thảo đánh giá về xu hướng thị trường BĐS trong thời gian tới, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng khẳng định: "Số lượng dự án cao cấp, trung cấp được đăng ký ngày càng tăng, số lượng giao dịch trên thị trường ở các căn hộ cao cấp, trung cấp cũng không ngừng gia tăng, điều này phản ánh nhu cầu mua nhà của người dân là hướng đến những căn hộ có tiện nghi tốt, chất lượng tốt và có không gian sống đi kèm".
"Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay, rất nhiều dự án đã và đang "đột lốt", "tự phong" cao cấp để lừa dối người tiêu dùng, tự nâng giá, sai phạm về thiết kế công năng, kiến trúc cảnh quan và tự vẽ ra những thiết kế để thu hút người mua nhà", ông Nam nhấn mạnh.
Ở khía cạnh khác, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM: "Nhà giá rẻ, nhà thu nhập thấp vẫn có tính thanh khoản cao, được thị trường trông chờ rất lớn. Tuy nhiên, hiện cơ chế cho các dự án này không có nhiều bởi việc cấp dự án cho nhà ở xã hội phải theo quy hoạch; lượng vốn vay từ ngân hàng đã bị hạn chế sau khi gói 30.000 tỷ đồng hết hiệu lực đăng ký vốn vay.
Ngoài ra, khi đăng ký, các chủ đầu tư đều mong làm dự án trung cấp, cao cấp để nâng giá, thu hút người mua. Chính vì vậy, thời gian sắp tới, lượng căn hộ và giao dịch nhà giá rẻ sẽ hạn chế, thậm chí đi xuống".