Roaring Currents (Đại thủy chiến) ra mắt năm 2014 đã trở thành phim ăn khách nhất lịch sử Hàn Quốc. Theo thống kê, con số kỷ lục hơn 17,6 triệu lượt xem, tương đương cứ 3 người Hàn thì 1 người đi xem phim này.
Phim lấy bối cảnh trận thủy chiến Myeongryang trong lịch sử Hàn năm 1597. 12 chiến thuyền của quân đội Joseon đã lội ngược dòng chiến thắng 330 chiếc thuyền lớn của quân Nhật.
Đại thủy chiến đã trở thành tượng đài mang sức nặng về tinh thần yêu nước và niềm tự hào điện ảnh xứ Hàn. Thành công của ê kíp đoàn phim khiến thế giới nể phục và các đạo diễn châu Á lấy làm gương.
Bộ phim cổ trang được xây dựng trên phim trường hoành tráng. Đó là nơi chế tạo nên các con tàu chiến bằng gỗ được lấy nguyên mẫu theo lịch sử.
So với một phim cổ trang về đại chiến, kinh phí đầu tư cho Roaring Currents thuộc hàng khiêm tốn. Ban đầu phim dự kiến chi phí 15 tỷ won (khoảng 300 tỷ đồng) nhưng sau tăng lên 20 tỷ won (400 tỷ đồng). Dẫu vậy, nó cũng chỉ bằng 1/5 vốn sản xuất bộ phim Xích Bích.
Trong toàn bộ vốn bỏ ra, 1/4 được dùng vào việc sử dụng kỹ xảo điện ảnh. Ở đó người ta nhận ra những điều lý giải vì sao Đại thủy chiến tạo được thước phim khiến người xem choáng ngợp.
Khám phá nơi thực hiện nên bộ phim Đại thủy chiến hấp dẫn nhất màn bạc Hàn:
Các nhà làm phim Hàn tạo nên 1 chiến thuyền lớn trên phim trường và 3 chiếc thuyền nhỏ hơn. Chiến thuyền đầu rồng và các thuyền kiểu mẫu khác sau khi được sử dụng làm bối cảnh phim đã chuyển thành tài nguyên phục vụ du lịch tại thành phố Kwangyang. Đây là nơi phim trường chính được quay.
Lên phim, kỹ xảo điện ảnh sẽ tạo thành hình ảnh của hơn 300 chiến thuyền Nhật và 12 chiến thuyền do tướng quân Yi Sun Shin của Joseon lãnh đạo.
Chiến thuyền kiểu của Nhật được làm riêng rất công phu. Các cần cẩu loại lớn được trưng dụng để hỗ trợ việc hoàn thành cảnh quay.
Có 3 đội quay đồng thời trên phim trường. Các cảnh quay hải chiến rất khó để thực hiện trên thực tế ngoài vùng biển. Vì nó khiến chi phí đội lên rất nhiều. Đạo diễn Kim Han Min đã chia đoàn quay phim thành 3 đội A,B,C. Mỗi đội quay phụ trách ở một vùng khác nhau.
Đội A phụ trách tại thành phố biển Kwangyang. Công nghệ từ đoàn quay phim Cướp biển vùng Caribbean được chuyển giao cho Đại thủy chiến. Để thực hiện cảnh tàu chiến vượt vũ bão và bị đánh úp, đoàn phim có một thiết bị chuyên dụng đặc biệt. Nó giống như tấm ván lớn giữ thăng bằng theo chiều dọc và chiều ngang. Người ta có thể kích hoạt để quay 360 độ.
Đội B phụ trách cảnh quay thuyền vượt biển.Trong phim có hơn 300 thuyền chiến nhưng thực tế đoàn phim chỉ sản xuất 8 chiếc. Trong đó có 4 chiếc có thể nổi trên biển. Trên thực tế quay ở đất liền và được kỹ xảo điện ảnh để tạo cảnh thuyền đi trên biển.
Đội C quay cảnh trên đất liền và dòng chảy của thủy triều. Đây là các cảnh quan trọng trong phim, từ việc tướng Yi Sun Shin bàn việc quân với các tướng lĩnh đến chi tiết chế tạo thuyền rồng có sức mạnh chủ chốt.
Trong 6 tháng, đạo diễn Kim phối hợp với cả 3 đội quay phim cùng một lúc. Ông cũng cho hay cảnh quay khó nhất là ở trên biển. “Có nhiều cảnh phải dừng quay đột ngột hoặc tăng tốc gấp đôi. Nhưng cũng có nhiều khoảnh khắc tôi muốn mình có thể đạp phanh như xe ô tô” – đạo diễn Kim cho hay.