Rằm tháng 7 âm lịch là ngày lễ Vu Lan, đây là một đại lễ báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên đã khuất, thể hiện tấm lòng “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đây cũng là ngày xá tội vong nhân mà dân gian gọi nôm na là ngày cúng chúng sinh (ảnh facebook Rùa Béo)
Các gia đình thường làm mâm cỗ tươm tất, thắp hương để tưởng nhớ người thân và cầu siêu cho các vong hồn (ảnh facebook Trần Ngọc Diệp)
Cúng Rằm tháng 7, có thể đến chùa, có thể cúng tại nhà, bao gồm các lễ: cúng Phật, cúng thần linh và gia tiên, cúng cô hồn. Cúng đồ chay hoặc đồ mặn tùy gia chủ (ảnh facebook Hong Van Can)
Theo truyền thuyết dân gian về khoảng thời gian từ mùng 2/7 âm lịch là thời điểm Diêm Vương ra lệnh bắt đầu mở Quỷ Môn Quan “thả cửa” cho ma quỷ và kết thúc sau 12 giờ đêm của Rằm tháng 7 các ma quỷ phải quay lại địa ngục.
Vì vậy, lễ cúng chúng sinh thường được thực hiện vào khoảng thời gian này để cầu bình an, ma quỷ không quấy phá. Lễ cúng này thường thực hiện vào buổi chiều tối hoặc tối hẳn, nên cúng chúng sinh ở chùa, nếu cúng ở nhà thì nên cúng ngoài trời và khi cúng đóng cửa nhà để cô hồn đến rồi đi, không vào nhà quấy nhiễu.
Đồ cúng cô hồn có hương, hoa, đèn, gạo, muối, nước, xôi, bỏng nẻ, giờ có thêm bim bim, ít trái cây… nhưng không thể thiếu món cháo loãng, nước mía. Không nên cúng đồ mặn, không cúng xôi gà vì dân gian cho rằng cúng đồ ăn mặn sẽ khơi dậy “tham, sân, si” khiến cô hồn khó siêu thoát, mà cứ quanh quẩn quấy nhiễu người trên dương thế (nhà chùa, nhà theo đạo Phật thường cúng chay). Kết thúc lễ cúng cô hồn là vãi gạo, muối tứ phương tám hướng. Tránh rắc vào trong nhà vì dân gian cho như vậy là đưa vong vào nhà.
Còn lễ cúng thổ công, gia tiên, ông bà, mọi người thường cúng vào ban ngày, trước ngày Rằm tháng 7 bởi theo truyền thuyết đúng ngày này, Phật tổ xá tội vong nhân trong vòng 1 ngày, mọi linh hồn kể cả tội lỗi, quỷ dữ dạ xoa đều được tự do. Nếu cúng các cụ đúng ngày này thì sợ bị những linh hồn này phá phách, rước thêm âm binh và cô hồn vào trong nhà (ảnh facebook Vũ Hương)
Mâm cỗ cúng tổ tiên theo tục lệ của người Việt, thường cúng gà trống để nguyên con và xôi (hoặc bánh chưng bóc hết lá nhưng không cắt thành miếng), lễ đầy đủ có thêm rượu, trái cây và bình hoa. Lễ cúng có thể là món mặn hoặc món chay tùy gia chủ (ảnh facebook Nguyễn Thu Trang)
Tất cả các lễ cúng đều được thực hiện trước 12h đêm ngày Rằm – tức ngày 15 tháng 7 âm lịch (ảnh facebook Huyền Miu)
Dù bận bịu với công việc nhưng nhiều chị em vẫn tranh thủ giờ nghỉ chuẩn bị mâm cỗ cúng Rằm tháng 7 được tươm tất (ảnh facebook Trần Ngọc Diệp)
(Ảnh sưu tầm từ facebook)