Dân Việt

Đau lòng chuyện nữ sinh làm mẹ

07/08/2011 06:18 GMT+7
Bất đắc dĩ phải làm mẹ khi đang còn là học sinh phổ thông, thậm chí mới đang tuổi ngấp nghé vào cấp THCS, nhiều bà mẹ tuổi mới lớn nựng con trên tay mà vẫn không hiểu “làm thế nào” mình lại... sinh ra được một đứa bé.

Sự non dại trong nhận thức về vai trò làm mẹ quá dễ hiểu khi ở tuổi ấy, bạn bè cùng lứa các em đang ngày ngày tung tăng cắp sách tới trường...

img

Sản phụ 12 tuổi

Cuối tháng 6.2011, Bệnh viện Phụ sản trung ương tiếp nhận một sản phụ 12 tuổi - em Đ.H.A. (học lớp 6, ở Đông Hưng, Thái Bình). Đây là trường hợp sản phụ nhỏ tuổi nhất sinh con tại bệnh viện. Song theo bác sĩ Trần Thị Tuyết Lan - trưởng khoa sản 2 Bệnh viện Phụ sản trung ương, những sản phụ tuổi 14, 15 giờ không còn hiếm.

Nhiều trường hợp thai nghén không được theo dõi từ đầu, các bà mẹ tuổi thiếu niên rơi vào tình trạng nguy kịch khi những bệnh lý kèm theo không được phát hiện sớm như basedow, tiền sản giật...

“Đa số bà mẹ trẻ con đều được gia đình lặng lẽ cho “giải quyết” khi thai ở những tháng đầu. Song, vẫn còn nhiều trường hợp quá thiếu hiểu biết, quá ít quan tâm đến nhau giữa các thành viên trong gia đình khiến các em phải làm mẹ ở tuổi thiếu niên” - bác sĩ Lan xót xa.

Lời khuyên bác sĩ là phụ huynh cần giáo dục con em cách bảo vệ bản thân, biết chia sẻ ngay những thay đổi bất thường của cơ thể. Trường hợp của A. dù nguyên do bắt nguồn từ sự xâm hại của người hàng xóm 62 tuổi, nhưng nếu được phát hiện sớm, kịp thời, em sẽ không phải làm mẹ ở tuổi 12.

Theo lời kể của mẹ A., em mới bắt đầu có kinh khi vào cuối năm lớp 5, nhưng chỉ có hai tháng rồi tắt luôn mà không ai để ý. Đến khi thấy bụng A. to bất thường, đưa đi khám, gia đình mới giật mình vì con mình đã mang thai hơn sáu tháng, không còn ở tuổi thai có thể can thiệp, nạo phá.

Tuy nhiên, không đợi đến lúc con gái có biểu hiện chu kỳ phụ huynh mới phải theo sát, hướng dẫn, chỉ bảo. Khi đưa cô con gái 14 tuổi đến phòng chờ khám thai ở tuần thứ 32, chị N.T.H. (ở Ba Đình, Hà Nội) vẫn thảng thốt: “Không hiểu sao con gái tôi lại có thai khi cháu chưa có kinh nguyệt bao giờ?”. Bác sĩ Lan giải thích: “Người mẹ nghĩ đơn giản bé có kinh mới là lúc phải thắt chặt “dây an toàn”. Chị không hiểu con gái mình đã “dính” thai luôn ở chu kỳ đầu tiên của cuộc đời”.

30% ca phá thai trên 13 tuần là trẻ vị thành niên

Những trường hợp làm mẹ ở tuổi vị thành niên luôn gây căng thẳng cho bác sĩ. Nhưng đó chỉ là số ít so với những trường hợp... suýt phải làm mẹ bất đắc dĩ.

Bác sĩ Phan Văn Quý cảnh báo: tại khoa điều trị tự nguyện Bệnh viện Phụ sản trung ương mỗi ngày các bác sĩ phẫu thuật điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân, 50% trong số đó có nguyên nhân vô sinh và trong số những ca vô sinh thì 50% có tiền sử nạo phá thai dù chỉ một lần.

Bác sĩ Phan Văn Quý, trưởng khoa điều trị tự nguyện Bệnh viện Phụ sản trung ương, cho hay tỉ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên có xu hướng tăng cao theo từng năm. Yêu đương dại dột là nguyên do muôn thuở của đối tượng này. Song bất ngờ lý do được chính các em gái nhắc tới nhiều gần đây là từ các cuộc tụ tập sinh nhật, các em uống rượu, rồi có những quan hệ “vượt rào” với ai, sinh con của ai cũng không hề hay biết!

Hiện tại, mỗi tháng tại khoa điều trị tự nguyện - nơi thực hiện chủ yếu các ca nạo phá thai lớn (trên 13 tuần), các bác sĩ thực hiện phá thai cho khoảng 150-200 ca, trong đó có 50-70 ca ở tuổi vị thành niên.

“Tại bệnh viện, chỉ có thai 22 tuần trở xuống còn trong giới hạn được phép đình chỉ. Thai to hơn, các bộ phận cơ thể đã cấu thành tương đối hoàn chỉnh, việc nạo phá rất thất đức. Ở tuổi ấy, đứa bé được lấy ra khỏi bụng mẹ sẽ trong tình trạng sống dở chết dở, cực kỳ thương tâm” - bác sĩ Lan nhấn mạnh.

Cha mẹ phải là phao cứu sinh

Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy - Trung tâm tư vấn Tuổi Trẻ Hạnh Phúc Việt Nam, 60-70% trường hợp điện thoại hoặc xin tư vấn trực tiếp tại trung tâm mỗi ngày là các em tuổi vị thành niên, chưa kịp hiểu gì về cơ thể đã bị cuốn vào cám dỗ của bản năng tình dục. Nhiều em trong số này không may đã có thai.

“Các em còn là học sinh nên việc mang một đứa bé trong bụng là một cú sốc quá lớn. Nhiều em chới với tưởng như sắp chết, chỉ nghĩ đến chuyện phải lên bàn phá thai đã là điều kinh khủng. Những trường hợp này thường đưa ra ước muốn ngây thơ làm thế nào sau một đêm tỉnh dậy cơ thể trở lại bình thường. Thực tế, không thể có phép mầu nào như vậy. Nhiều em lại chọn cách nhảy từ trên cao, ép bụng vào...

Rồi có em nghe người này người kia mách uống cao hổ... Riêng với trường hợp giấu giếm quá lâu, thai quá to, đến lúc cha mẹ phát hiện, không thể phá được nữa, đành phải sinh thì bi kịch gia đình còn nặng nề hơn. Bản thân các em còn chưa hiểu hết về cơ thể thì làm sao có thể chăm sóc một đứa bé? Rồi chi phí nuôi một đứa bé không nhỏ, tạo thành áp lực kinh tế cho cả gia đình. Nhiều gia đình buồn rầu vì nghĩ con mình “hỏng rồi”, ai lấy là may, vội vàng gá con cho người này người kia, bi kịch có thể tiếp diễn nặng nề hơn.

Do đó, với gia đình không may có con em rơi vào hoàn cảnh này nên bình tĩnh, có cái nhìn bao dung với con trẻ. Các em chịu một cú sốc quá lớn, có thể dại dột nghĩ đến đường cùng. Cha mẹ phải là phao cứu sinh cho chính con mình mà chia sẻ, vực đứa con trở lại với cuộc sống đời thường” - bà Túy nói.

Theo Tuổi trẻ