Nghỉ học vì 1km đường đất
Những hộ dân ở đây cho biết, tuyến đường đất dọc kênh Sáng chỉ dài hơn 1km, với 20 hộ dân sinh sống (khoảng 100 nhân khẩu). Gần 20 năm nay họ phải đi lại bằng con đường đất này hoặc bằng đường thủy, trong khi hầu hết các tuyến lộ dạng ngõ hẻm khác trong xã đều đã được làm bê tông.
Tuyến đường đất chỉ dài hơn 1km mà 20 năm qua vẫn chưa được nâng cấp. ảnh: CHÚC LY
Anh Phan Văn Nhanh ngụ tại ấp Mỹ Tường II, cho biết: “Mấy năm trước, thấy mọi người đi lại khó khăn, tôi có đứng ra vận động bà con đóng góp để mua đá về rải, làm đường đi tạm trong những tháng mưa, đa số đều đồng tình, mỗi hộ góp từ 500.000 đồng đến 1,5 triệu đồng tùy hoàn cảnh. Tuy nhiên, một số hộ quá khó khăn không có tiền để đóng góp nên chúng tôi đành gác lại ý định”.
"Chúng tôi sẽ tiến hành họp dân và rà soát lại các nguồn vốn, đồng thời đề xuất lên huyện hỗ trợ kính phí cho dân xây dựng tuyến lộ, giúp bà con đi lại dễ dàng”. |
“Con đường đất này thuận tiện nhất để ra chợ và UBND xã. Trời nắng còn đỡ, chứ trời mưa thì sình lầy trơn trượt, rất khó đi. Cũng do đường xấu nên việc vận chuyển, giao thương không thuận tiện, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, vào mùa mưa, các em học sinh phải nghỉ học liên tục vì đường đến trường quá vất vả” – bà Nguyễn Thị Ngọc Lợi phản ánh.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Tư (76 tuổi), người có cháu ngoại là bé Huỳnh Thị Tuyết Nga phải nghỉ học khi vừa hết lớp 2. Bé Nga hồn nhiên nói: “Con học đến lớp 2 là nghỉ rồi. Con cũng muốn đi học lắm, nhưng đường đi khó quá. Mấy đứa bạn giống con, vì đường đi học trơn trượt nên cũng phải nghỉ”.
Xã “lực bất tòng tâm”?
Ông Lê Văn Bé - người dân trong ấp tâm sự: “Hễ trời mưa, dân ở đây lại phải đem xe đi gửi ở ngoài khúc có lộ để thuận tiện đi lại. Hết mưa bà con phải hô hào nhau đắp lại đường. Ngoài ra, đường đất ở đây cũng không liền, nhiều mương, kênh nên phải bắc cầu ván mới đi được. Nhìn cảnh mấy đứa nhỏ đi học khổ sở, chúng tôi lo ngay ngáy”.
Ông Bé cũng cho hay, khi được kêu gọi đóng góp an sinh xã hội hoặc các khoản tiền theo quy định, bà con trong ấp đều thực hiện đủ, nhưng mong mỏi về một tuyến đường kiên cố thì 20 năm nay vẫn chưa có.
Đáng nói là xã Hưng Phú đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào vào năm 2015. Theo UBND xã, đến nay xã làm được trên 40km lộ giao thông ngõ xóm, đạt hơn 90% (theo quy định là 50%), nhiều tuyến đường khác cũng được đầu tư sạch đẹp.
Ông Giảng Thanh Nhã – Chủ tịch UBND xã Hưng Phú cho biết: “Thật ra chúng tôi còn muốn có đường đẹp hơn cả người dân. Năm 2012, xã được hỗ trợ để làm lộ bê tông nhưng chỉ được 1 bao xi măng/1m , còn lại người dân đóng góp thêm nên kinh phí khá cao. Trong khi đời sống một số hộ còn khó khăn, không có khả năng đóng góp, đoạn đầu của tuyến đường không có hộ nào sinh sống nên xã chưa bắt tay làm được”.