Bệnh viện quá tải
Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Gia Lai sáng 5.8 đông như nêm cối. Chị Tô Thị Tuyết Phượng ở xã Ia Băng (huyện Đăk Đoa) đang chăm con trai bị SXH ở hành lang BV cho biết: “Mấy ngày nay BV đông quá, mẹ con tôi đành phải ôm nhau nằm ở hành lang. Hiện cháu đã đỡ hơn rồi, chứ mấy ngày trước do nằm ở ngoài ồn ào quá nên cháu cứ quấy khóc suốt...”. Anh Hồ Thanh Vũ ở xã Trà Đa (TP.Pleiku) vẫn thấy may mắn vì: “Mẹ tôi nằm ở hành lang còn đỡ chứ nhiều bệnh nhân mới vào còn phải nằm cạnh cầu thang”.
Bệnh nhân bị SXH phải nằm ở cả hành lang Bệnh viện Đa khoa Gia Lai. ảnh: Đăng Nhật
Ông Nguyễn Đức Phúc - Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Gia Lai cho biết: “Khoa Bệnh nhiệt đới hiện nay có đến 150 bệnh nhân bị SXH trong khi giường chỉ tiêu chỉ có 40. Số giường bệnh này phải chuyển từ các khoa khác và mua thêm; thậm chí là mượn từ các BV khác”.
Theo ông Hồ Ngọc Gia - Giám đốc Trung Y tế dự phòng tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay Gia Lai có 4.057 ca SXH, trong đó có 1 ca tử vong, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2015. Bệnh nhân dồn dập trong tháng 6, 7 nên dẫn tới quá tải BV. Ông Nguyễn Hữu Huyên – Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ y (Sở Y tế Đăk Lăk) cho biết, từ nửa đầu tháng 7 đến nay, BVĐK Đăk Lăk trong tình trạng quá tải tới 150% vì SXH. Bình thường BVĐK tỉnh đã thường xuyên quá tải, chỉ tiêu chỉ có 1.000 giường nhưng lúc nào cũng có 1.200 bệnh nhân. Còn hiện nay, do tình hình bệnh SXH diễn biến phức tạp, mỗi ngày có hàng chục đến hàng trăm bệnh nhân SXH nhập viện, dẫn đến quá tải càng nghiêm trọng. Các BV huyện Buôn Đôn, Ea H’leo… cũng trong tình trạng tương tự vì gia tăng đột biến bệnh nhân SXH.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, trong tháng 6, 7, sốt xuất huyết gia tăng đáng ngại. Cụ thể, trong tháng 7 ghi nhận 5.561 trường hợp mắc, 2 trường hợp tử vong. Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 44.859 trường hợp mắc tại 46 tỉnh, thành phố, trong đó có 14 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2015 (17.229 ca/12 ca tử vong) số mắc tăng 2,6 lần. Dịch đang diễn biến phức tạp ở các tỉnh vùng Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Kon Tum... |
Theo ông Huyên, tích luỹ từ đầu năm đến ngày 5.8, trên địa bàn tỉnh có 3.154 ca SXH. Số ca tăng mạnh vào 2 tháng gần đây, tháng 6 có hơn 600 ca, tháng 7 gần 1.000 ca mắc SXH. Có 3 vùng dịch lớn tập trung trục đường chính, đang được đô thị hoá như TP.Buôn Ma Thuột, huyện Buôn Đôn và huyện Ea H’leo. “So với năm 2015 số ca có tăng mạnh, tuy nhiên, đây là chu kỳ dịch 2-3 năm một lần. Năm 2013, cả tỉnh cũng có hơn 5.000 ca SXH” – ông Huyên nhận định.
Ông Huyên cũng cho biết, đáng nói là nếu năm 2015, số ca mắc SXH chủ yếu là týp D1 thì năm nay xuất hiện thêm týp D2 và D4. Đây là hai týp chưa có miễn dịch trong cộng đồng nên số ca mắc nhiều hơn. “Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, các vùng đô thị hoá lại ẩn chứa rất nhiều môi trường cho muỗi sinh sôi nên SXH càng dễ bùng phát. Tuy chính quyền thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở bà con, bà con cũng có ý thức hơn, nhưng ý thức không được thường xuyên” – ông Huyên cho biết.
Người dân thờ ơ phòng dịch
Ngày 2 và 3.8, đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do ông Đặng Quang Tấn – Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng làm Trưởng đoàn đã đến làm việc và kiểm tra công tác phòng chống SXH tại Gia Lai. Qua kiểm tra thực tế tại TP.Pleiku, Đoàn kiểm tra phát hiện rất nhiều hộ gia đình sử dụng thùng phuy chứa nước mưa không đậy nắp, nhiều lốp (vỏ) xe công nông cũ không còn sử dụng để ngoài vườn, chai lọ, chum vại và các vật linh tinh chứa nước đọng không được xử lý, nên muỗi có điều kiện để vào đẻ trứng và nhiều bọ gậy phát triển.
PGS-TS Trần Đắc Phu cho biết, không chỉ riêng Việt Nam, tình hình SXH trong khu vực và trên thế giới cũng đang diễn biến phức tạp. Trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Philippines tính đến ngày 11.6 đã ghi nhận 52.177 ca SXH, trong đó có 207 trường hợp tử vong. Malaysia 59.294 ca, 134 ca tử vong. Brazil từ đầu năm đến nay có hơn 1,24 triệu ca mắc SXH, 288 ca tử vong. Paraguay có 114.000 ca SXH, 16 ca tử vong. Colombia 70.350 ca mắc, 196 trường hợp tử vong.
“Năm 2016, hiện tượng El nino tại Việt Nam đã làm tăng nhiệt độ trung bình của môi trường, là điều kiện cho muỗi phát triển. Do hạn hán nên các gia đình trữ nước nhiều, tạo môi trường cho muỗi đẻ trứng. Thêm vào đó, khu vực Tây Nguyên không phải vùng lưu hành SXH phổ biến trong những năm qua nên miễn dịch đối với SXH của quần thể ở mức thấp, khi xuất hiện dịch sẽ lây lan và bùng phát nhanh. Người dân trong khu vực phần lớn là người dân tộc thiểu số, dân trí còn thấp, chưa chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch” – PGS Phu nhận định.