Dân Việt

6 điều NATO phải làm để tránh Nga lấn lướt

Minh Anh 07/08/2016 20:17 GMT+7
Với những diễn biến ở Crimea, miền đông Ukraine hay Syria, thế giới đã có cơ hội thấy được chiến lược quốc phòng mới của Nga. Tổng thống Putin đã thành công trong việc sử dụng các tiềm lực hạn chế về kinh tế, chính trị và quân sự trong việc khẳng định vị thế của nước Nga và răn đe nhiều quốc gia thù địch.

Trong khi các biện pháp mà quân đội NATO sử dụng để đáp trả sức mạnh của Nga đang tập trung ở việc triển khai lính bộ binh đến Đông Âu, thì theo tạp chí National Interest, vẫn còn nhiều biện pháp hữu dụng khác có thể được khối đồng minh sử dụng.

Thứ nhất là cải thiện khả năng tình báo, trinh sát và giám sát (ISR). NATO yếu trong lĩnh vực này không phải là điều lạ. Cách đây một vài năm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Robert Gates đã cảnh báo rằng, các lãnh đạo NATO nên tập trung vào đầu tư tăng cường sức mạnh ISR ở cả thiết bị phần cứng lẫn khả năng phân tích.

img

Máy bay kiểm soát trên không và cảnh báo sớm E3 Sentry

Trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ vào tháng 4.2015, Tư lệnh NATO tại châu Âu, Đại tướng Philip Breedlove cũng cho rằng, các hoạt động của Nga ở Ukraine và một vài nước trong khu vực, đã để lộ ra nhiều yếu kém phân tích thông tin tình báo của NATO. Rất nhiều cuộc tập trận của Nga đã làm khối đồng minh phải giật mình.

Thiết bị quân sự của Mỹ không còn tập trung nhiều ở châu Âu do chiến lược xoay trục sang châu Á và hoạt động chống khủng bố ở Trung Đông. Đây cũng là lí do các nước NATO cần phải tự lo cho bản thân nếu không muốn bị Nga lấn lướt.

Thứ hai, NATO cần tập trung hơn vào không lực. Không quân là phương tiện quân sự linh hoạt nhất hiện nay của khối đồng minh. Nó sẽ vô cùng quan trọng trong việc phá vỡ các hệ thống cấm xâm nhập của Nga ở bất kì đâu. Các lãnh đạo phương Tây cần thừa nhận rằng, họ phải nâng cấp cả thiết bị, huấn luyện tốt cho phi công và đội hỗ trợ dưới mặt đất cũng như các nhà lập kế hoạch để thực hiện nhiều hoạt động bay hơn ở Trung và Đông Âu. 

Thứ ba, NATO nên nghiêm túc hơn trong việc xây dựng một hệ thống phòng không liên kết và thống nhất ở châu Âu. Một trong những khả năng tuyệt vời, góp phần tạo ra sức mạnh phòng thủ cho quân đội Nga đó là sự kết hợp được các hệ thống phòng không thành một mạng lưới. Đây chính là điều NATO cần học tập để bảo vệ được các cơ sở hạ tầng quan trọng ngay cả khi bị tấn công bất ngờ.

img

Tên lửa phòng không Patriot

Bước đầu tiên của việc này đã được thực hiện bằng việc lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không Aegis trên bộ tại Romania vào tháng 5.2016 và chuẩn bị là một cơ sở tương tự ở Ba Lan. Để đảm bảo an toàn trước Nga, châu Âu cần hàng chục cơ sở phòng thủ tên lửa kiểu này để hình thành một mạng lưới phòng không đa lớp thực sự.

Thứ tư, đó là đầu tư vào khả năng tác chiến điện tử. Khả năng tác chiến điện tử của NATO bị thui chột vì nhiều lí do khác nhau, có thể kể đến như việc sau khi kết thúc Chiến tranh lạnh, NATO đã coi Nga là đối tác và không nghiên cứu các biện pháp nhằm chống lại sức mạnh của nước này. Nguyên nhân thứ 2 đến từ việc trong suốt 15 năm qua, NATO và đặc biệt là Mỹ lại bị kéo vào cuộc chiến chống lại các phiến quân nổi loạn như Taliban, khủng bố Al-Qaeda nên tự khiến mình sao nhãng các dự án tác chiến điện tử.

Những mặt yếu kém của quân đội Mỹ có thể được nhìn ra như việc máy bay F-35 có chi phí phát triển đắt nhất thế giới, nhưng lại chỉ hoạt động an toàn nếu có sự hỗ trợ của máy bay tác chiến điện tử F-18 Growler. Hay mẫu máy bay thế hệ cũ Su-24 của Nga khi được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Khibiny cũng từng vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống radar cảnh báo sớm và điều khiển vũ khí trên tàu khu trục USS Donald Cook ở biển Đen vào tháng 4.2014.

Thứ năm, hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và các học thuyết quân sự. Mỹ gần đây đã tuyên bố kế hoạch hiện đại hóa bộ 3 hạt nhân của mình trong khi Anh cũng mới chấp thuận việc nâng cấp khả năng răn đe hạt nhân chiến lược.

img

Mỹ sẽ nâng cấp toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của mình

Vai trò chủ chốt của Mỹ cần phải được thể hiện trong lĩnh vực này. Trước hết, việc hiện đại hóa bom hạt nhân B61 nên được đẩy nhanh và Mỹ cũng cần triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân ra các tàu chiến trên biển nhằm thể hiện vai trò răn đe. Ngoài ra, Mỹ nên đề ra kê hoạch phản ứng cụ thể nếu Nga tuyên bố rời khỏi hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Cuối cùng, sức mạnh của quân đội Nga có lẽ sẽ không quá đáng sợ nếu NATO biết đoàn kết và các nước thành viên sẵn sàng cống hiến ngay từ đầu. Các nước thuộc khối đồng minh cần đảm bảo thực hiện đúng cam kết về đóng góp cho khối quân sự chung. Việc tăng ngân sách quốc phòng lên mức 2% GDP sẽ ngay lập tức có hiệu quả trong việc răn đe Nga cũng như đoàn kết nội khối.