Dân Việt

Vì sao Mỹ chi 450 tỉ USD nâng cấp bộ 3 hạt nhân không bao giờ sử dụng?

Minh Anh 06/08/2016 09:03 GMT+7
2 quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống Nhật Bản vào Thế chiến II là lần duy nhất nước này sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng khả năng răn đe hạt nhân vẫn là điều mà Washington đặc biệt chú trọng suốt nhiều thập kỉ qua. Đến nay, Mỹ tiếp tục đề ra kế hoạch nâng cấp bộ 3 hạt nhân với chi phí 450 tỉ USD trong 30 năm tới.

Bộ 3 hạt nhân bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tàu ngầm hạt nhân và máy bay ném chiến lược đã là vũ khí răn đe đáng sợ nhất của Mỹ trong hơn 70 năm qua. Tuy nhiên, sự tồn tại của sức mạnh này lại đang bị đe dọa khi nhiều nhà lập pháp Mỹ đặt ra câu hỏi rằng, tại sao Washington lại phải bỏ ra hàng trăm tỉ USD để đầu tư cho loại vũ khí không bao giờ sử dụng. 

Mỗi thành phần trong bộ 3 hạt nhân có lợi thế riêng và việc nâng cấp toàn bộ lực lượng này sẽ tiêu tốn của Mỹ tới 450 tỉ USD, thậm chí hơn. Khi nói một vũ khí hạt nhân được nâng cấp thì chính là phương tiện triển khai hạt nhân nâng cấp chứ không phải đầu đạn. 

img

Tên lửa hạt nhân Minuteman III

Các hầm phóng tên lửa trên mặt đất được xây dựng trên khắp nước Mỹ. Lợi thế của kiểu triển khai này là kẻ thù gần như không thể phá hủy được các hầm phóng cố định trong cùng một lúc do số lượng quá nhiều và kết cấu kiên cố. Ngoài ra, đây cũng là phương pháp triển khai hạt nhân nhanh nhất trong 3 cách. Nhiều chuyên gia cho biết, Tổng thống Mỹ chỉ cần nhấn một nút trong vali hạt nhân là tất cả tên lửa này có thể đồng loạt khai hỏa. 

Các hầm phóng chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minutemen III đã được Mỹ xây dựng từ năm 1982. Loại tên lửa này rất dễ bảo dưỡng nhưng nó lại sử dụng công nghệ lỗi thời và không có độ chính xác cao.

Tên lửa hạt nhân phóng từ trên không có thể được triển khai từ máy bay ném bom và chiến đấu cơ. Đây có thể được coi là cách triển khai linh hoạt nhất nhờ tốc độ cao của máy bay. Loại tên lửa được sử dụng thường là tên lửa hành trình có gắn đầu đạn hạt nhân và tầm bắn khoảng 1.600km trở lên. Mỗi máy bay B-52 mang được 20 tên lửa loại này và có thể được phóng liên hoàn nhằm tránh hệ thống phòng không của đối phương.

img

Máy bay ném bom B-52 của Mỹ có thể mang được 20 tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân

Tuy nhiên, không giống ICBM dưới mặt đất và tàu ngầm trên biển, các máy bay trang bị tên lửa hạt nhân là một phương tiện vô cùng lộ liễu. Việc triển khai B-52 đến một khu vực dường như sẽ đánh động toàn bộ hệ thống phòng thủ xung quanh đó. Do vậy, việc hiện đại hóa tên lửa hạt nhân phóng từ trên không đòi hỏi Mỹ phải trang bị thêm công nghệ hiện đại nhằm đánh lừa được các hệ thống phòng không của đối phương.

Phương tiện triển khai hạt nhân cuối cùng là tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo. Với khả năng lặn sâu xuống lòng đại dương và biến mất trước mọi hệ thống dò tìm, tàu ngầm có thể giúp Mỹ tấn công bất ngờ đối phương cũng như sống sót qua đòn tấn công hạt nhân đầu tiên của quân địch để phóng tên lửa đáp trả.

img

Tàu ngầm là phương tiện triển khai hạt nhân bí mật nhất

Hiện nay, tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Ohio vẫn không thể bị phát hiện khi lặn xuống nước nhưng điều này có thể thay đổi trong tương lai với sự phát triển của công nghệ do thám. Do đó, sự hiện đại hóa tàu ngầm cũng không thể được xem nhẹ bên cạnh việc nâng cấp các tên lửa đạn đạo.

Thời Mỹ có thể điều khiển một máy bay ném bom và nhẹ nhàng thả bom nguyên tử xuống lãnh thổ quân địch đã qua từ lâu và chắc chắn không thể trở lại.

Có thể Mỹ sẽ không sử dụng thêm vũ khí hạt nhân lần nào nữa, tuy nhiên, loại thiết bị quân sự này là cần thiết trong chính sách răn đe kẻ thù và bảo vệ hòa bình. Chính vì vậy, ngay cả khi dự án nâng cấp vũ khí hạt nhân trị giá 450 tỉ USD hay 1.000 tỉ USD, nó  vẫn cần phải được thực hiện.