Dân Việt

Chuyện đời day dứt của người mang án tử gần nửa thế kỷ

Lương Kết 07/08/2016 16:40 GMT+7
"Tôi bị tuyên án tử hình, đi tù được 5 năm 6 tháng 7 ngày thì được trả tự do về làng nhưng lại không được minh oan. Đến nay đã 80 tuổi rồi mà tôi vẫn mang tiếng là kẻ giết người", cụ Trần Văn Thêm ở thôn Đức Lân, xã Yên Phụ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã tâm sự với phóng viên Dân Việt.

img

Cụ Trần Văn Thêm.

Đêm định mệnh

Một ngày sau khi lãnh đạo TAND Tối cao, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, huyện Yên Phong và cả lãnh đạo thôn, xã đến thăm cụ Trần Văn Thêm, người dân thôn Đức Lân vẫn chưa hết bàn tán. Nhiều người suýt xoa, Đoàn khách có đến vài chục người, đi hàng chục xe ô tô, đây là chuyện rất hiếm ở thôn Đức Lân này.

Đối với cụ Thêm, điều mong đợi bấy lâu nay sắp thành hiện thực, bởi sau chuyến thăm kể trên, việc kêu oan suốt mấy chục năm qua của cụ sẽ được TAND Tối cao đưa ra kết luận cuối cùng như lời của ông Bùi Ngọc Hòa - Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao.

Nhấm chén nước nóng nhìn về xa xăm cụ Thêm bảo, tôi tuổi cao bệnh tật, trí nhớ cũng kém đi nhiều nhưng những ký ức của 46 năm về trước thì không thể nào quên được. Năm 1970, khi đó anh nông dân Trần Văn Thêm ngoài công việc đồng áng, những lúc nông nhàn lại cùng người em con cô ruột là Nguyễn Khắc Văn rong ruổi chiếc xe đạp thồ đi tìm thu mua nông sản về bán kiếm lời.

Năm đó, ở xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (thời gian đó 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp thành tỉnh Vĩnh Phú, sau tách tỉnh, huyện Tam Dương thuộc Vĩnh Phúc) bắt đầu vào mùa quả trám, cụ Thêm và người em lại rong ruổi chiếc xe đạp vượt khoảng 100km đến các nhà dân ở nơi đây để thu mua. Trong các chuyến đi, buổi tối cụ và người em thường nghỉ nhờ tại nhà một người quen tên An ở xã Đồng Tĩnh. "Ngày 23.6.1970, anh em chúng tôi lên đến nơi thì trời tối, hàng chưa mua được nên lại nghé nhà ông An để nghỉ nhờ. Tối hôm đó ở xã có chiếu bóng nên ông An đi xem, ở nhà chỉ còn bà vợ. Thấy không tiện, bà này bảo chúng tôi ra lều cắt tóc ở đoạn Cầu Diện, xã Đồng Tĩnh mà nghỉ. Ra đến đó linh tính mách bảo tôi có điều gì không lành nên tôi nói với người em vào trong làng tìm nhà mà nghỉ nhờ, nhưng người em nói nghỉ đây cũng được, không việc gì. Khoảng 0 giờ 30 phút, tôi tỉnh giấc tìm thuốc lá hút. Đang châm thuốc bất ngờ bị ai đó vụt vật cứng vào đầu (sau biết là búa), tôi bị choáng nhưng vẫn kịp hô cướp, cướp. Người em cũng bị tên cướp cầm búa tấn công. Hai người vừa chống lại tên cướp vừa hô, thấy vậy tên cướp bỏ chạy", cụ Thêm kể.

Được thả tự do nhưng không được minh oan

Hai anh em cụ Thêm bị thương được người dân đưa vào trạm xá xã cấp cứu, sau đó chuyển lên bệnh viện huyện Tam Dương. Do vết thương quá nặng, người em của cụ tử vong ít ngày sau đó. Còn cụ Thêm thì bị đưa vào cơ quan Công an lấy khẩu cung vì bị nghi là hung thủ. "Các cán bộ điều tra cho rằng tôi đã giết người em để cướp tài sản. Tôi liên tục kêu oan nói không làm việc đó nhưng họ không tin cứ ép buộc tôi nhận tội. Hai lần ra tòa tôi vẫn kêu oan nhưng tiếng kêu đó đã không được xem xét", cụ Thêm nói trong nước mắt.

Bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Vĩnh Phú năm 1972 và bản án phúc thẩm của TAND Tối cao năm 1973 đều tuyên phạt cụ Thêm án tử hình về 2 tội Giết người và Cướp tài sản. "Điều day dứt nhất của tôi khi đó là chuyện gia đình, bởi ở nhà còn 5 người con, lớn nhất mới 15 tuổi, bé nhất 3 tuổi, người vợ thì bị bệnh lao. Mỗi đêm nghĩ về họ tôi không sao nhắm mắt được, tôi quyết tâm chống án đến cùng. Ở trong tù tôi đã viết đơn bằng máu để kêu oan", cụ Thêm nhớ lại.

Do có đơn kêu oan nên việc thi hành án với cụ chưa được thực hiện. Sau một thời gian ở tù, đến ngày 28.12.1975 (âm lịch), tức sau 5 năm 6 tháng 7 ngày, cụ Thêm được thả khi hung thủ thực sự bị bắt trong một vụ án khác. Cụ Thêm kể, hôm đó cụ được cán bộ trại giam Phủ Đức (Phú Thọ) gọi ra khỏi phòng biệt giam để gặp cán bộ của Bộ Công an và Công an tỉnh Vĩnh Phú. Sau đó được đi cùng xe của cán bộ về Bộ Công an ở Hà Nội, cụ đã được một cán bộ giải thích là do vết thương trên đầu nên cấp cho cụ một giấy miễn lao động nặng và đưa cụ sang bến xe Gia Lâm đón xe khách về quê.

Hơn 40 năm sau ngày được ra tù, cụ Thêm sinh sống ở quê, suốt bằng đấy năm cụ vẫn gửi đơn đến các cơ quan chức năng để được minh oan, nhưng đi đến đâu cũng cụ cũng nhận được câu trả lời, trong những năm chiến tranh phải sơ tán nhiều nên không tìm thấy tài liệu liên quan đến bản án của cụ. Mọi thứ tưởng như rơi vào bế tắc thì 2 bản án đã kết tội cụ đã được tìm ra.

Nói về vụ việc của cụ Thêm trên VTV1, ông Bùi Ngọc Hòa - Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao cho biết: Trách nhiệm của cơ quan Công an đến đâu, trách nhiệm của Viện KSND tới đâu, trách nhiệm của TAND tới đâu thì phải làm rõ. Đây là bài học xương máu, làm sao những người tiến hành tố tụng cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng phải thực sự vì dân, không để xảy ra những trường hợp mà có thể kéo dài sự đau khổ, sự oan sai cho người dân 46 năm như vừa qua. Các cơ quan tiến hành tố tụng phải vào cuộc nhanh hơn nữa đừng để người dân chịu oan ức.