Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu thẳng thắn và thể hiện quyết tâm hành động theo thông điệp xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Tôi cho rằng, đây là một tầm nhìn thông tuệ, được không ít người dân nói chung và giới tinh hoa kỳ vọng. Tuy nhiên, để hiện thực hoá, cần những quyết tâm nhất quán trong bộ máy chính phủ mới.
Một điều dễ nhận thấy là chính phủ mới đang đứng trước rất nhiều thách thức lớn kể cả nội trị lẫn ngoại giao: Gánh nợ công đang ngày thêm chồng chất, nạn tham nhũng, môi trường bị tàn phá, giáo dục vẫn chưa tìm thấy lối đi, và sự lăm le của nước lớn trước những đòi hỏi vô lý về chủ quyền. Trong bối cảnh đó, ngoái nhìn lịch sử giúp ta định vị được mình và tương hỗ cho những chiến lược mới mà chính phủ mới đang hướng đến.
Tỉnh Ninh Bình chính thức từ chối nhận 3 xe sang tiền tỷ do doanh nghiệp tặng sau khi có dư luận không tốt về sự việc. (Ảnh minh họa)
Lịch sử của người Việt còn để lại nhiều bài học không hề cũ, tiếc rằng khi tạm nguôi những thách thức, người Việt có vẻ như thường có xu hướng quên. Sử chép, sau khi hiến kế cho Quang Trung đánh thắng quân Thanh, năm Quang Trung thứ tư (1791), vua mời La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (sinh năm 1723), một sĩ phu nổi tiếng đất Nghệ Tĩnh vào Phú Xuân để nghị sự. Nguyễn Thiếp có thảo ra bản tấu bàn về 3 vấn đề: (1) Luận về quân đức; (2) Luận về lòng dân; (3) Luận về học pháp.
Bản luận về quân đức, về mặt tư tưởng có thể thấy Nguyễn Thiếp là một Niccolò Machiavelli của Việt Nam về thuật trị nước. Nguyễn Thiếp đất Hồng La viết thế này cho Quang Trung: "Vua dốc một lòng tu đức, ấy là gốc vạn sự... Từ xưa thánh hiền chưa có ai không bởi sự học mà có đức. Thượng đức tính chất cao minh, nghị luận lỗi lạc.
Liệu việc, lượng người, hơn người ta. Nếu lấy học vấn mà tăng thêm tài, thì thật là một đấng trước đời Thang, Vũ." Nếu áp dụng vào thời nay, rõ ràng giáo dục phải là đôi cánh để đất nước bay cao. Chính phủ mới cần có một cải cách sâu rộng và thực chất nền giáo dục. Có thế, “sự học” mới giúp cho công cuộc canh tân theo hướng thực chất và khởi tạo các đà bay của đất nước “con rồng cháu tiên”. Bằng không, mọi hô hào, khẩu hiệu đều trở nên vô nghĩa.
Khi bàn về lòng dân (nhân tâm), La Sơn phu tử viết: "Dân là gốc, gốc vững nước mới yên... Một người cày, trăm kẻ ăn. Của hết, lực kiệt. Có kẻ đã chịu những suất lính, lại còn phải chịu nộp những đồ vật dụng như vải, củi. Có kẻ nhiều lần bị mất mùa, tất cả ruộng bị bụi bờ ăn lấp. Tuy đã có phen quan trên tới khám đạc, nhưng chưa được cứu giúp, giảm thuế... Kẻ cùng quẫn đã không thể kêu đâu...; Nhà nước thì võ uy có thừa mà ân trạch chưa ban ra khắp. Tiếng sầu oán rậy đường sá... Dân không mến nhớ, lại mến nhớ kẻ có nhân".
Phải chăng lời của phu tử cũng là để nhắc nhở đến quốc nạn tham nhũng, lãng phí hiện nay ở ta, khi mà đây đó vẫn còn cảnh cán bộ xã đi hát karaoke, “tiếp khách” khiến nợ công của một xã đã lên đến tiền tỷ? Phải chăng đó là lời nhắc nhở của phu tử đối với việc đây đó người dân phải còng lưng gánh các khoản phí vô lý, cạn kiệt kế sinh nhai? Hay những lời của phu tử gợi nhớ đến việc hăng hái của chính quyền Hà Tĩnh trong việc thu bờ xôi ruộng mật của người dân giao cho Formosa làm nhà máy và thải độc? Rồi người dân vẫn cứ thế lầm lũi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, và không thể kêu ai?
La Sơn phu tử khuyên Nguyễn Huệ làm sao để không có “tiếng sầu oán rậy đường sá… dân không mến nhớ lại nhớ kẻ có nhân”, nhưng hẳn là ông không chỉ khuyên Nguyễn Huệ. Tiếc rằng, các triều đại sau cũng chẳng học được bài học này, đơn cử như thời vua Tự Đức đã để xảy ra hơn 400 cuộc nổi dậy của nông dân, rồi cũng dẫn đến mất nước vì chẳng được lòng dân. Ngày nay, dân khổ nhưng cán bộ vẫn xài sang, bộ ngành vẫn thay xe ô tô mới dù số xe vẫn dùng được vẫn thừa mứa, liệu như thế có khiến dân “mến nhớ”? Đó là những mối nguy cho đất nước, cần phải được nhìn nhận và giải quyết một cách rốt ráo.
Trong lịch sử Trung Hoa, ngôn truyền rằng, khi sứ thần của nước Tề là Cầm Hoạt sang nước Nguỵ để mời Tôn Tẫn về cố hương phục vụ nước Tề, dù nghe danh chiến lược gia Tôn Tẫn đã lâu nhưng vị sứ thần này vẫn muốn “thử tài” một câu hỏi: “Nếu hai nước một mạnh (Nguỵ), một yếu (Tề). Tiên sinh là mưu sĩ của nước yếu, thì có cách gì để giúp nước yếu thắng được nước mạnh?” Tôn Tẫn đã đáp rằng: Trước tiên, phải làm cho nền chính trị của nước đó trở nên sáng suốt, khiến dân chúng và chúa công phải dốc sức một lòng. Thứ hai, phải có những người tài giỏi, có trí tuệ, thành thực, nhân hậu, dũng cảm, nghiêm khắc làm tướng lĩnh. Thứ ba, phải có kỉ luật quân ngũ nghiêm minh, quản lý lương thảo chặt chẽ. Thứ tư, khi tác chiến phải có thiên thời. Thứ năm, phải chiếm được địa lợi. Đó là năm điều (Đạo, Tướng, Pháp, Thiên, Địa) trong Binh pháp Tôn Tử.
Nếu áp dụng linh hoạt thuật trên của Tôn Tẫn vào tình hình nước ta hiện nay trong công cuộc canh tân, nếu coi nước ta là một nước yếu trong tương quan với một nước mạnh khác, nếu không muốn bị lệ thuộc, rõ ràng nước ta cần phải có những nghĩ suy nghiêm túc, trên tình thần “lợi ích quốc gia là trên hết”.
Về mặt địa chính trị, chúng ta có vị trí hiếm có, nhưng nếu ta không chịu mạnh lên, điểm mạnh cũng sẽ biến thành điểm bất lợi, khi mà các nước lớn đang muốn dùng ta là một bàn đạp để áp đặt các luật chơi. Chúng ta cần một “nền chính trị sáng suốt”, ở đó đủ hấp lực để thâu nạp và trọng dụng nhân tài (tất nhiên không phải theo “quy trình cổ điển” kiểu tiêu chí nhất “hậu duệ”, nhì “quan hệ”, ba “tiền tệ” như hiện nay). Hệ thống đó phải nghiêm minh và công bằng, chống triệt để nạn tham nhũng đang làm mối mọt những rường cột của bộ máy và lòng tin của người dân.
Trong bối cảnh hiện nay, ngoài việc học những bài học của tiền nhân, có lẽ chúng ta cần một chiến lược phát triển mới cho hệ thống, mà có thể gọi tên bằng HOPE (hy vọng) để tạo đà và thêm cảm hứng cho cuộc chấn hưng đất nước giai đoạn mới. Chữ HOPE là viết tắt từ chữ cái đầu của 4 từ tiếng Anh: Cần áp dụng các tiêu chuẩn cao (High standards) của các nước tiên tiến vào trong các lĩnh vực trọng yếu của đất nước. Điều này nhằm tránh lãng phí tiền bạc và thời gian đi “phát minh lại cái bánh xe đạp”, thứ mà thế giới đã làm cách đây hàng trăm năm. Cần cởi mở (Open) trong việc thu nhận các ý tưởng phát triển đất nước, tôn trọng sự khác biệt, dù đó là những lối nghĩ không “thuận nhĩ”, có vậy mới thu nạp được những ý tưởng tốt phụng sự quốc gia.
Thêm nữa, một mặt cần hướng tới một hệ thống quản trị xã hội trong sạch (Pure), trước hết là loại bỏ dần nạn tham nhũng, thiết kế lại hệ thống quản trị quốc gia dựa trên sự thực chất của tinh thần “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; mặt khác cần có đội ngũ tinh hoa (Elites) thực sự, thu nạp và trọng dụng nhân tài vào trong hệ thống (điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rất xuất sắc khi thành lập chính phủ mới sau khi giành lại từ tay chính quyền thực dân), thì mới đủ sức để chinh phục những thách thức mới hiện nay, cùng gánh vác giang sơn qua con dốc khó khăn của thời cuộc.
Hy vọng với quyết tâm của chính phủ mới, cùng với tinh thần “liêm chính, kiến tạo và hành động” sẽ đưa đất nước sớm thoát khỏi cảnh “không chịu phát triển” như vừa qua. Đó cũng nên được hiểu là một tuyên ngôn chiến đấu với những trì trệ, lạc hậu. Hay cũng được coi là một khúc ca đầy cảm hứng kiến thiết nước nhà. Cùng nhau, chúng ta có thể xây dựng một Việt Nam giàu mạnh.